Xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên: Nâng cấp đô thị để nâng cao chất lượng cuộc sống

Cập nhật: 26-06-2017 | 08:15:15

 Là xã trung tâm của huyện mới Bắc Tân Uyên, đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2014, Tân Thành được sự quan tâm đầu tư phát triển về mọi mặt để đi lên đô thị. Đến nay, xã đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và được 99,44% cử tri đồng tình với đề án nâng cấp từ đơn vị hành chính cấp xã lên cấp thị trấn.

 Đô thị hóa nông thôn

Ông Phạm Văn Cang, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bắc Tân Uyên cho hay, trên cơ sở đã đáp ứng đủ các quy định, đúng các tiêu chuẩn về đô thị loại V, phòng đã tham mưu UBND huyện lập tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị HĐND thông qua đề án thành lập Thị trấn Tân Thành theo nguyên trạng địa giới hành chính, quy hoạch, dân cư… để tiếp tục trình cấp trên theo đúng trình tự luật định. Dân số toàn xã hiện là 8.568 người. Dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 24.700 người.

Tân Thành đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để dần trở thành một đô thị trung tâm của huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: D.CHÍ

Từ một xã thuần nông, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, chỉ sau hơn 3 năm chia tách và thành lập huyện mới, Tân Thành được tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, làm tiền đề quan trọng để hỗ trợ phát triển các yếu tố khác. Hai tuyến đường ĐT746 và đường xã ĐH411 nay đã được đầu tư thành hai trục giao thông chính vừa mang tính đối nội, vừa làm nhiệm vụ kết nối địa phương với hệ thống giao thông bên ngoài. Từ hệ thống giao thông mang tính tạo lực này mà các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã cũng phát huy tốt hiệu quả theo hướng liên hoàn, thông suốt.

Hiện tại xã có 7 tuyến giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa và đang tiếp tục thực hiện thêm 7 tuyến mới gắn với chỉnh trang đô thị. 70% các tuyến giao thông đều đã được đầu tư hệ thống chiếu sáng, giúp việc đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện. Điều đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn với khối lượng đầu tư lớn, bao phủ toàn địa bàn, người dân địa phương đã tích cực hưởng ứng, chấp hành chủ trương đền bù giải tỏa của chính quyền; cũng như chủ động hiến đất, cây cối, hoa màu trên đất giúp các công trình sớm hoàn thành đúng kế hoạch. Nhờ đó hệ thống giao thông của xã Tân Thành đã cơ bản hoàn thành và đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa.

Có thể nói, Tân Thành đang phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Chỉ sau hơn 3 năm hình thành và phát triển, dọc theo các tuyến đường chính của xã các hoạt động thương mại dịch vụ đang phát triển tốt với sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Trạm y tế xã được nâng cấp thành Phòng khám đa khoa khu vực với đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh, hệ thống trường học được nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, người dân có nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng; hệ thống điện, nước sạch, vệ sinh môi trường được đầu tư đến tận từng khu ấp, khu phố và hộ dân… Những tiện ích đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn trực tiếp góp phần làm thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc của người dân theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Lên đô thị, tăng lợi ích

Việc thành lập thị trấn Tân Thành là nhu cầu tất yếu của phát triển đô thị huyện Bắc Tân Uyên. Vì từ khi thành lập đến nay huyện vẫn chưa hình thành trung tâm huyện lỵ. Trung tâm huyện lỵ có vài trò ảnh hưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội lan tỏa đến các xã trong huyện, tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa cùng các hoạt động kinh tế khác như: Vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, trung tâm thương mại, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh… Với vị trí thuận lợi, gần các khu công nghiệp: Đất Cuốc, VSIP III, Tân Lập I… Tân Thành trong tương lai sẽ là một đô thị dịch vụ, hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó địa phương còn có cơ hội để phát huy lợi thế mà thiên nhiên ban tặng là hồ sinh thái Đá Bàn. Sự kết hợp phát triển tiềm năng du lịch hồ Đá Bàn với Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ sẽ giúp Tân Thành trở thành địa danh du lịch sinh thái - văn hóa lịch sử - nghỉ dưỡng lý tưởng.

Phân tích về một số yếu tố thuận lợi khó khăn khi chuyển đổi quy mô hành chính từ cấp xã lên thị trấn, ông Phạm Văn Cang cho rằng, trước mắt có thể nhận thấy việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã tạo cho người dân niềm vui, sự phấn khởi, giúp chất lượng cuộc sống nâng cao hơn trước. Phát triển thương mại dịch vụ, giao lưu hàng hóa, chuyển đổi mô hình đã mở ra cơ hội việc làm, sản xuất kinh doanh, hợp tác phát triển… góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống, bước đầu hình thành không gian đô thị.

Cùng với nhiều cơ hội thuận lợi mở ra trong quá trình phát triển từ nông thôn sang đô thị, người dân cũng phải chủ động tâm lý, thích ứng với những đổi thay khi chuyển sang đời sống thị dân. Đô thị phát triển, việc làm ăn thuận lợi sẽ thu hút lao động, nhà đầu tư từ khắp nơi về đây, dẫn đến gia tăng dân số cơ học vừa tác động đến các yếu tố hạ tầng cơ sở vừa phát sinh các vấn đề xã hội. Từ đó công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, đầu tư phải đi vào chuyên nghiệp hóa cao hơn với tầm nhìn khoa học, sát thực tế hơn, giúp địa phương nhanh chóng bắt nhịp với các đô thị trong tỉnh, trong vùng.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên