Chào mừng 38 năm ngày thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương (2.10.1977 - 2.10.2015)

Xây dựng BTV thành đơn vị truyền thông đa phương tiện

Cập nhật: 02-10-2015 | 08:44:14

Trải qua chặng đường 38 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Dương (BTV) đã có những bước đột phá, phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ thiếu thốn về nhân sự, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở buổi ban đầu, ngày nay BTV đã vươn lên trở thành một trong những đài địa phương vững mạnh, được Bộ Thông tin Truyền thông công nhận đứng thứ 5 toàn quốc về khối lượng sản xuất chương trình phát thanh và truyền hình….

 Từ những bước đi thuở sơ khai

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), ngày 10-7-1977, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) chỉ đạo chọn địa điểm xây dựng Đài Phát thanh. Ngày 18-7-1977, UBND tỉnh ký Quyết định số 473/QĐ- UB thành lập Đài Phát thanh Sông Bé.

Chia sẻ về thuở sơ khai thành lập đài, ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc STV và BTV nhớ lại: “Đúng vào ngày 2-10-1977, khúc nhạc hiệu “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến cùng câu xướng “Đây là Đài Phát thanh Sông Bé, phát từ thị xã Thủ Dầu Một trên làn sóng 970 KHz…” đã vang lên tại TX.Thủ Dầu Một và lan tỏa ở những địa bàn lân cận. Như vậy, kể từ khi chương trình phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Sông Bé đến với đồng bào trong tỉnh đã mở ra một trang mới của lịch sử phát thanh - truyền hình địa phương”.

Biên tập viên - Phóng viên - Kỹ thuật viên BTV đang tác nghiệp.
Ảnh: LONG VĨNH

Ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết thêm: “Những ngày đầu mới thành lập, khoảng 15 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài được chia làm 2 ban: Ban Biên tập và Ban Kỹ thuật. “Tài sản” của Ban Kỹ thuật là 1 máy phát thanh cũ 1 KW, 1 máy ghi âm cũ và cột ăng-ten cao 50m do anh em cùng nhau xây dựng và chằng dây néo bằng dây thép. Những căn nhà tạm của “Trại gia binh” do chế độ cũ để lại được anh em cải tạo thành phòng thu âm và nhà làm việc của đài. Lúc đó, mỗi ngày, đài phát sóng chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Nói chung mọi thứ ở thời điểm ấy từ nhân lực cho đến cơ sở vật chất rất thiếu thốn, nhưng anh em của Đài Phát thanh Sông Bé vẫn cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phục vụ kế hoạch hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất của tỉnh, góp phần cùng cả nước bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam...”.

“Năm 1982, Đài Phát thanh Sông Bé thành lập 1 tổ Truyền hình gồm vài người thuộc Ban Biên tập của đài. Đây chính là đội ngũ “hạt nhân” làm nền tảng để sau này Đài Phát thanh Sông Bé phát triển thành Đài PT-TH Sông Bé (STV), nay là Đài PT-TH Bình Dương (BTV). Sau đó, tháng 12-1990, Đài Tiếp vận PT-TH Bà Rá chính thức được khánh thành, góp phần giúp nhân dân 5 huyện phía bắc của tỉnh Sông Bé, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dễ dàng với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua làn sóng PT-TH, không còn là vùng trắng thông tin như trước kia.

Bước đột phá ấn tượng

Năm 1992, được sự cho phép của UBND tỉnh vàCục Tần số, đài mạnh dạn khai phá và phát sóng truyền hình thử nghiệm trên kênh 25 - băng tầng UHF. Đây là bước đột phá táo bạo vì thời điểm này cả nước chưa có đài nào thực hiện phát sóng truyền hình trên băng tần UHF. Nói cách khác, từ thành công của STV trong việc phát sóng thử nghiệm kênh 25 - UHF đã góp phần khai phá “chân trời mới” về băng tần phát sóng truyền hình.

Tiếp đó, vào ngày 2-9-1994, STV chính thức đưa vào sử dụng Phim trường sản xuất các chương trình PT-TH và Tháp ăng-ten tự đứng cao 108m. Từ 2 bước đi chiến lược này, đã mở ra một giai đoạn mới, thực hiện phát sóng hàng loạt chương trình PT-TH. Thời điểm này, số lượng và chất lượng các chương trình PT-TH do đài sản xuất không ngừng được nâng lên. Làn sóng STV không chỉ đáp ứng được nhu cầu nghe và xem đài của nhân dân trong tỉnh, mà còn tỏa rộng ở một số tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ, đồng thời khẳng định thương hiệu STV trong ngành truyền hình cả nước.

Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập trên cơ sở được tách ra từ tỉnh Sông Bé trước đây. Theo đó, STV cũng được tách thành Đài PT-TH Bình Phước (BPTV) và Đài PT-TH Bình Dương (BTV). Từ ngày chia tách tỉnh đến nay, BTV đã có thêm những bước tiến mới đáng ghi nhận. Một trong những dấu ấn quan trọng ở giai đoạn này làviệc BTV thực hiện công trình nghiên cứu đưa vào ứng dụng công nghệ phát hình kỹ thuật số mặt đất (DVB-T) vào năm 2002. Và ở lĩnh vực phát thanh, BTV trở thành đài đầu tiên trong cả nước ứng dụng hệ thống sản xuất chương trình kỹ thuật số với phần mềm Dalet 6.1.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Hiện tại, BTV đang tập trung nguồn lực để vươn lên trở thành cơ quan báo chí - truyền thông đa phương tiện với đủ các loại hình báo chí, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay, về các kênh nội dung tuyên truyền, BTV đang quản lý và hoạt động 1 kênh phát thanh FM tổng hợp, tần số 92,5 Mz. Các kênh truyền hình gồm: BTV1 - Thời sự chính trị tổng hợp, BTV2 - Chuyên đề và Khoa giáo, BTV3 - Thông tin kinh tế và giải trí, BTV4 - Phim truyện, BTV5 – Thể thao. Tất cả các kênh nội dung PT-TH của BTV hiện đang được phát sóng liên tục 24 giờ/ngày. Cùng với hệ thống các kênh PT-TH, BTV còn thực hiện 1 trang Thông tin Điện tử - btv.org.vn; 1 Tạp chí Truyền hình BTV (Tạp chí BTV) với tần suất phát hành 2 kỳ/tháng.

Về kết cấu nội dung chương trình, BTV tập trung thực hiện ở các mảng chính, gồm: Thời sự- chính trị tổng hợp được thực hiện ở các múi giờ sáng, trưa và tối/ngày. Các chương trình Chuyên đề và chương trình Khoa giáo với hơn 50 đầu chương trình/tuần. Các chương trình giải trí gồm Văn nghệ và Thể thao với hơn 30 đầu chương trình/tuần.

Đi cùng các hoạt động đầu tư, phát triển các mặt công tác chuyên môn theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội tụ công nghệ, BTV luôn chăm lo công tác đào tạo, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của đài. Đồng thời, chú trọng thực hiện cải tiến chất lượng, đổi mới nội dung và hình thức các chương trình ở tất cả loại hình báo chí. Hàng năm, nhiều chương trình PT-TH, tác phẩm báo chí thuộc các thể loại của BTV đã đoạt những giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia, các kỳ Liên hoan PT-TH toàn quốc và khu vực. Đây là một trong những dấu ấn tốt đẹp của BTV trong lòng quý khán, thính giả, độc giả gần xa và là dấu ấn tốt đẹp trong ngành PT-TH cả nước.

Ông Đỗ Văn Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương nhìn nhận: STV trước đây và BTV ngày nay đã qua 38 năm xây dựng và trưởng thành, trong đó, nổi bật là những thành tích đáng khích lệ trên chặng đường 18 năm kể từ ngày tỉnh Bình Dương được tái lập, nhất là những dấu ấn tốt đẹp trong 5 năm gần đây (2010- 2015). Nhìn lại những kết quả đó, để thấy rõ những bước chân không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác PT-TH trên vùng đất Bình Dương năng động và giàu lòng nhân ái. Và có được những thành quả, những dấu ấn tốt đẹp hôm nay, tập thể cán bộ, nhân viên BTV mãi mãi trân trọng sự chăm lo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của các bộ, ngành Trung ương, của lãnh đạo tỉnh Sông Bé - Bình Dương qua các thời kỳ; cùng sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; nhất là sự đóng góp công sức, trí tuệ bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức của đài; sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp trong cả nước; cùng sự quan tâm, cộng tác, theo dõi và góp ý chân thành của các tầng lớp nhân dân, của quý khán thính giả, độc giả trên khắp mọi miền đất nước.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - nguyên Giám đốc STV và BTV cho rằng, “ngày nay công nghệ truyền hình đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ trong kỷ nguyên số hóa. Giờ đây không chỉ là truyền hình kỹ thuật số, phát sóng vệ tinh, xem truyền hình qua ứng dụng trên điện thoại thông minh... thì chúng ta sẽ càng tự hào khi các thế hệ của những người làm truyền hình Bình Dương và Sông Bé trước đây. Chúng ta đã có những cú đột phá ngoạn mục, đôi khi đi trước so với cả nước như trong việc khai phá thành công dải băng tần UHF, hay đi đầu trong việc phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T. Cuộc chiến cạnh tranh trong ngành PT-TH càng ngày càng phức tạp, đòi hỏi những người làm nghề phải liên tục trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, liên tục sáng tạo, vận động, đổi mới thì mới có thể đáp ứng được xu thế của thời đại.

 

CHÍ THANH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên