Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững trong doanh nghiệp

Cập nhật: 03-10-2018 | 09:01:08

UBND tỉnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế ILO vừa tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, đình công ở Bình Dương”. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn đánh giá về thực trạng quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động trên địa bàn. Những ý kiến trao đổi, chia sẻ tại buổi tọa đàm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Tạo dựng quan hệ bền vững

Toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu công nhân lao động (CNLĐ); trong đó số lao động đã ký kết hợp đồng lao động đạt tỷ lệ 94%. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 1.474 doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, gần 1.000 thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực và trên 7.000 doanh nghiệp đã xây dựng nội quy lao động, gần 3.000 doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương, thưởng. Lương bình quân của người lao động (NLĐ) là 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, các doanh nghiệp còn thưởng cho NLĐ lương tháng 13 và một số phụ cấp khác như: Tiền nhà ở, điện, nước, ăn trưa… Để NLĐ thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các cấp, các ngành trong tỉnh đã vận động doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ, trong đó chú trọng đến việc thực hiện các chế độ chính sách pháp luật lao động, quyền lợi của NLĐ. Hầu hết chất lượng tổ chức thực hiện quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc được nâng lên rõ nét, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó, phát huy hiệu quả quyền dân chủ và làm chủ của NLĐ, góp phần bảo đảm việc làm, đời sống NLĐ, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt dộng sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn về Bộ luật Lao động và các chế độ cho người lao động

Nhờ triển khai hàng loạt chính sách nên thời gian qua, số vụ tranh chấp lao động tập thể có chiều hướng giảm mạnh qua các năm. Trong những nguyên nhân ấy phải kể đến việc UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức hàng loạt buổi gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ và cán bộ công đoàn ở TX.Bến Cát, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên. Tại các buổi tiếp xúc, những ý kiến, kiến nghị của CNLĐ đã được lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp thu và giải đáp thấu đáo.

Xác định việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp họ an tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, từnăm 2013 đến nay, tỉnh đãchi ngân sách tặng 38.520 suất quà với tổng số tiền 19,8 tỷ đồng cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, xa quê ở lại Bình Dương đón tết; trao tặng vé xe cho công nhân ở các vùng thiên tai, lũ lụt, công nhân bị tai nạn lao động về quê đón tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tặng hàng ngàn phần quà cho CNLĐ. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà trẻ, Trung tâm Văn hóa Lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí cho đoàn viên công đoàn, CNLĐ.

Nhiều ý kiến tâm huyết

Tại buổi tọa đàm, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh luôn tạo môi trường tốt nhất để mời gọi doanh nghiệp và NLĐ đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vấn đề đặt ra trong quan hệ lao động. Buổi tọa đàm nhằm nâng cao ý thức của NLĐ và người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương cho biết: “Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương hoạt động hướng trọng tâm vào việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp NLĐ bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thông qua hoạt động của trung tâm đã góp phần giúp NLĐ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan đến NLĐ được quy định trong pháp luật vàcó thể tự bảo vệ được mình, can thiệp kịp thời khi họbị xâm hại quyền và lợi ích. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp mang lại hiệu quả rất lớn nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm để cán bộ công đoàn đến tuyên truyền, tư vấn nên tỷ lệ NLĐ được tư vấn pháp luật còn thấp. Hơn nữa, công tác khởi kiện của công đoàn với tranh chấp lao động tập thể còn vướng về quy định của pháp luật tố tụng”.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết: “Nguyên nhân phát sinh cuộc tranh chấp lao động rất đa dạng, một số vụ xuất phát từ quyền lợi của NLĐ, số khác lại xuất phát từ doanh nghiệp. Các mâu thuẫn đôi khi xảy ra rất nhỏ nhưng nếu doanh nghiệp không có cách ứng xử phù hợp, không kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của CNLĐ để giải quyết thì dễ phát sinh thành cuộc tranh chấp, ngừng việc lớn, gây tổn thất cho cả doanh nghiệp và NLĐ”.

Để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, các doanh nghiệp không đứng ngoài cuộc, đại diện các công ty có mặt tại buổi tọa đàm cho rằng việc thực thi tốt pháp luật là nền tảng để xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Hơn nữa khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên