Xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Hướng tới thành phố tương lai 

Cập nhật: 26-10-2015 | 08:45:59

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị là xây dựng nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong môi trường sinh hoạt đô thị. Mục tiêu đặt ra là trước năm 2020, Bình Dương trở thành thành phố văn minh hiện đại trực thuộc Trung ương...

Các con đường trên địa bàn tỉnh được chỉnh trang, dọn dẹp sạch sẽ. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Công trình đô thị Bình Dương chăm sóc cây cảnh trên đường Bạch Đằng, TP.TDM Ảnh: T.LÝ

Diện mạo mới

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010- 2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX đã đề ra nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng ý thức văn minh đô thị làm nền tảng tinh thần cho sự phát triển toàn diện. Để triển khai, thực hiện một cách hiệu quả, Bình Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị... Cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều vào cuộc đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, làm cho cảnh quan ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp hơn.

Bình Dương cũng luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường; xây dựng, chỉnh trang các đường phố khang trang, xanh, sạch, đẹp, xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, địa phương thông qua các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, hội thi, hội diễn, liên hoan và trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Sau 5 năm triển khai, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, rất đáng ghi nhận như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An… Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)) cho biết, hiện nay diện mạo của tỉnh đã thay đổi, đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên, tính thân thiện, trách nhiệm công dân thể hiện rõ nét hơn, tạo được thiện cảm với bạn bè gần xa khi đến Bình Dương; chất lượng sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Tính đến năm 2014, gia đình văn hóa đạt 93,55%; khu phố, ấp văn hóa đạt 74,35%; khu nhà trọ văn hóa đạt 53,40%; cơ quan doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 89,85%…

Vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhận thức rõ yêu cầu giải quyết các vấn đề đô thị nói trên, năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2013/QĐ- UBND ngày 25-10-2013 ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Đây là khởi đầu để các địa phương từng bước tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh.

Chung tay xây dựng văn minh đô thị

Để xây dựng con người Bình Dương với những chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL đã đưa ra các giải pháp cụ thể; trong đó xây dựng con người với những chuẩn mực văn hóa, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; có ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, năng động, sáng tạo, hiếu khách, sống có nghĩa tình, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, nếp sống văn minh đô thị. Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phấn đấu hàng năm có trên 96% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 80% khu phố đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”, 50% khu nhà trọ đạt danh hiệu “Khu nhà trọ văn hóa” và trên 96% “Cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa”.

Văn minh đô thị được hiểu là thái độ ứng xử của cộng đồng cư dân đô thị với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Một đô thị văn minh là nơi đó con người biết bảo vệ, chăm lo môi trường sống, có ý thức cao vì cộng đồng chung, con người ứng xử có văn hóa với nhau, cùng bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp.

Trong quá trình thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị phường, xã cũng sẽ xây dựng văn hóa công sở với phương châm “Kỷ cương” hàng đầu; chấn chỉnh nghiêm mệnh lệnh hành chính, kỷ luật lao động, xây dựng văn hóa ứng xử đúng mực, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng thời gian, kỷ luật thích đáng cán bộ vi phạm; hiện đại hóa công sở, thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính… Từ đó, người dân khi tiếp xúc với chính quyền đều thấy được sự chuyển biến rõ rệt về văn hóa cơ sở; quản lý tốt đội ngũ cán bộ làm công tác giữ gìn trật tự đô thị, xử lý vi phạm trật tự đô thị nghiêm minh.

Tạo điều kiện cho người dân thực hiện văn minh đô thị, tỉnh đã tập trung phát triển đô thị theo hướng chỉnh trang, cải tạo đô thị cũ kết hợp phát triển đô thị mới (TP.Thủ Dầu Một, Trung tâm TP.Mới Bình Dương); hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, hành lang vỉa hè đường được lát gạch block, lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng, xây dựng vườn hoa, công viên sạch đẹp, trồng mới cây xanh, tạo không gian thông thoáng và các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt để từ đó người dân có điều kiện tốt hơn để thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Theo ông Lê Hữu Phước, Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một quá trình lâu dài, kiên trì và nhiều khó khăn, nên trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai vận động nhân dân thực hiện tốt những tiêu chí đạt các danh hiệu văn hóa, trong đó xây dựng “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” làm trọng tâm trong việc xây dựng phong cách, nếp sống văn minh đô thị, phấn đấu trước năm 2020 tỉnh Bình Dương phát triển lên thành phố văn minh hiện đại trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, ngành VH-TT&DL sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các ban ngành, đoàn thể là cơ quan thành viên trong Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để nâng cao đời sống văn hóa trong nhân dân.

 

 T.LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên