Xây dựng phát triển nông thôn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại- Bài 3

Cập nhật: 07-11-2018 | 08:16:43

Bài 3: Khi người nông dân năng động

Với tinh thần năng động, sáng tạo, ham học hỏi, thoát ly lối mòn sản xuất truyền thống, nhiều nông dân Bình Dương đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xây dựng nên những mô hình nông nghiệp hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, có thể coi nhiều người nông dân là những “nhà khoa học trong nông nghiệp” bởi những kiến thức và kinh nghiệm phong phú của họ trong trồng trọt, chăn nuôi, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (phải), ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo giới thiệu với phóng viên Báo Bình Dương về mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Ảnh: T.SƠN

 Mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Lão nông Nguyễn Văn Khái (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) là một trong những nông dân tiên phong trong việc ứng dụng hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Từ bỏ nghề “gõ đầu trẻ” chuyển sang làm nông dân đích thực, với kiến thức sẵn có, ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp nhà nông, ông đã trăn trở, suy nghĩ tìm cách giảm bớt những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Từ lối tư duy này, ông quyết định tìm hiểu và mày mò chế tạo “Hệ thống tưới nước tiết kiệm” cho 7 ha cây ăn trái của mình. Mô hình tưới phun tự động đã mang lại cho ông những kết quả cao trong sản xuất, vườn cây xanh tốt quanh năm. Nhớ lại những ngày đầu xây dựng mô hình tưới tự động, ông Khái chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, tiết kiệm đến mức thấp nhất các chi phí sản xuất, tôi đã quyết tâm xây dựng hệ thống tưới phun tự động. Với cách tưới thông thường, trên phần diện tích cây ăn trái của tôi, mùa nắng 2 người tưới cả ngày mới xong, trong khi đó lượng nước tưới không đều. Từ khi có hệ thống tưới phun tự động, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều các chi phí về nhân công, nước, điện năng”.

Theo ông Khái, nhờ hệ thống tưới tự động, số lượng cây trồng canh tác trên 1 ha diện tích đất sản xuất cũng tăng lên đáng kể, từ 300 cây tăng lên 1.000 cây. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho hệ thống tưới phun tự động của ông cũng rất thấp, chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động chỉ bằng 1/10 so với hệ thống của Israel lúc bấy giờ, nhưng hiệu quả tưới đạt mức tương đương. Không những thế, ông còn ứng dụng hệ thống này vào diện tích cao su mới trồng, giúp rút ngắn thời gian hình thành vườn cây và cây cao su phát triển đồng đều hơn so với việc tưới tự nhiên. Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, ông còn có nhiều sáng kiến khác áp dụng vào sản xuất. Chính cách làm sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những thành công cho ông Khái. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền, đoàn thể

Xây dựng thương hiệu

Không những mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhiều nông dân Bình Dương còn xây dựng được các thương hiệu nông sản của riêng mình, đưa sản phẩm phục vụ cho thị trường tiêu thụ đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thanh Thủy, ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2001, bà rời TP.Hồ Chính Minh đến xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng) xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp. Với quyết tâm xây dựng trang trại theo hướng đi riêng, bà tự mình tìm hiểu các tài liệu về cây bưởi da xanh, đến tận các trang trại để tìm hiểu mô hình sản xuất để hình thành nên mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích khoảng 14 ha. Trải qua quá trình vừa trồng vừa đúc rút kinh nghiệm, đến năm 2004, bà đã có 3.500 cây bưởi cho quả bói. Đến năm 2009, bà có 6.000 gốc bưởi cho thu hoạch với sản lượng đều đặn 260 tấn mỗi năm, rồi bà bắt đầu thành lập công ty riêng. Sản phẩm bưởi da xanh trang trại của bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu “Bưởi da xanh Thanh Thủy”. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm bưởi da xanh của công ty bà Thủy đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị như Metro, Lotte, Wellcome… Thành công nối tiếp thành công, bà Thủy tiếp tục mua thêm 20 ha đất để mở rộng trang trại lên 34 ha. Hàng năm, bà Thủy có thu nhập trên một chục tỷ đồng từ trồng bưởi da xanh.

Để xây dựng được các thương hiệu nông sản, các sản phẩm có chất lượng, nhiều nông dân Bình Dương đã xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP còn giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 72 trang trại được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hình thành được các thương hiệu như “Bưởi Bạch Đằng”, “Bưởi da xanh Thanh Thủy”, “Bưởi Phương Uyên”, “Măng cụt Lái Thiêu”, “Trang trại Đoàn Minh Chiến”, “Quýt đường Hiếu Liêm”, “Cam - Bưởi Bắc Tân Uyên”...

Chắp cánh cho nông sản vươn xa

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách chung của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để hỗ trợ nông dân trong tỉnh phát huy hiệu quả sản xuất, Bình Dương cũng đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, chương trình đồng hành thiết thực với người nông dân. Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt, xuất phát từ thực tế sản xuất và theo quy hoạch phát triển vùng sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi, hỗ trợ trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP trên địa bàn các huyện, thị. Tại nhiều vùng sản xuất, tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ chi phí giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các mô hình trang trại. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp có thể vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,2%/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ nông dân trong việc tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả tại các địa phương khác, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Chính từ những chính sách hỗ trợ hiệu quả này, các mô hình nông nghiệp của Bình Dương luôn phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng hiện đại và hiệu quả sản xuất được nâng lên. Từ các mô hình sản xuất hiệu quả, nhiều nông dân của tỉnh đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong giai đoạn 2013-2018, bình quân hàng năm có gần 42.000 hộ nông dân đăng ký danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có gần 35.000 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Là chỗ dựa của nông dân trên địa bàn tỉnh về nhiều mặt, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng được các chương trình hỗ trợ cũng như phát động các phong trào thi đua sản xuất trong nông dân mang tính thiết thực và hiệu quả. Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hội tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt nhằm nâng cao trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và góp phần cùng cả nước xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bắt đầu từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp có thể vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,2%/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ nông dân trong việc tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả tại các địa phương khác, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Chính từ những chính sách hỗ trợ hiệu quả này, các mô hình nông nghiệp của Bình Dương luôn phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng hiện đại và hiệu quả sản xuất được nâng lên.

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên