Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ: Góp phần bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 01-02-2016 | 08:47:01

Hầu hết các vụ cháy, nổ xảy ra đều ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt những vụ có liên quan đến hóa chất lại càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc xây dựng những phương án phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường do các vụ cháy, nổ gây ra là điều vô cùng cấp thiết. Liên quan đến vấn đề này, đề án “Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ trên địa bàn tỉnh” do Cảnh sát PC&CC tỉnh chủ trì đã tạo được sự quan tâm từ các cấp, các ngành…


Hoạt động sản xuất tại nhiều KCN trên địa bàn tỉnh luôn gắn với nhiều loại hóa chất, do đó việc phòng ngừa và ứng phó trước mọi tình huống cháy, nổ là việc làm rất cần thiết.
Trong ảnh: Phối hợp diễn tập công tác PC&CC tại KCN VSIP

Việc làm cần thiết

Thời gian qua, sự phát triển nhanh, mạnh về kinh tế đã đem lại cho Bình Dương nhiều lợi ích. Tuy nhiên, song song đó lại là nguy cơ cháy nổ cũng diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê của Cảnh sát PC&CC, trong 5 năm qua (2011-2015), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 222 vụ cháy, gây thiệt hại trực tiếp lên đến hơn 187 tỷ đồng. Trong đó có 15 vụ cháy lớn gây thiệt hại trên 129 tỷ đồng.

Qua kết quả khảo sát ban đầu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.100 xí nghiệp và cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản nhiên liệu, hóa chất và các chất thải độc hại. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ các hộ gia đình, cơ sở sang chiết khí đốt hóa lỏng tồn tại trên địa bàn, cơ sở chế biến gỗ, hóa chất nhỏ lẻ và các doanh nghiệp dùng thuốc nổ khai thác xây dựng có nguy cơ cháy, nổ cao và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường khi xảy ra sự cố.

Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Dệt may, cao su, sơn, keo, mực in, chế biến gỗ, giấy… đều có sử dụng nhiều dạng nguyên liệu, hóa chất, chất thải nguy hại. Đây là những mối nguy hiểm tiềm ẩn khôn lường trong ô nhiễm môi trường về không khí, đất, nguồn nước… gây tổn hại đến sức khỏe lâu dài của cộng đồng dân cư nếu không may xảy ra cháy, nổ lớn. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, các sự cố cháy, nổ liên quan đến hóa chất ở mức độ lớn nếu không được phòng ngừa và ứng phó kịp thời sẽ gây nên những tổn thất rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, việc xây dựng đề án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết…

Nhiều nội dung quan trọng

Theo Cảnh sát PC&CC tỉnh, đề án “Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ trên địa bàn tỉnh” có nhiều nội dung quan trọng, khi triển khai vào thực tiễn sẽ mang đến hiệu quả cho lực lượng PC&CC trong công tác quản lý và ứng cứu, xử lý các sự cố liên quan đến cháy, nổ. Cụ thể như: Dự báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ và các biện pháp phòng ngừa cơ bản đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất; Xây dựng cấp ứng phó và quy trình xử lý sự cố môi trường do cháy, nổ; Xây dựng kịch bản ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ… Trong đó, nội dung “Dự báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ và các biện pháp phòng ngừa cơ bản đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất” được nghiên cứu chuyên sâu cho từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất được đánh giá sẽ mang lại nhiều hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh cho rằng các sự cố cháy, nổ liên quan đến hóa chất ở mức độ lớn nếu không được phòng ngừa và ứng phó kịp thời sẽ có thể gây nên những tổn thất rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, việc xây dựng đề án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

Đại tá, PGS-TS Vũ Văn Bình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học PC&CC, cho biết cùng với TP.HCM và Đồng Nai thì Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp. Do đó, việc sử dụng nhiều hóa chất trong hoạt động sản xuất là không thể tránh khỏi, đồng thời nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng từ đó mà tăng theo. Trong thời gian qua, Bình Dương rất quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn trong PC&CC, vì đây cũng là một trong những điều kiện để hướng đến sự phát triển bền vững. Đề án xuất phát từ yêu cầu trên. Tuy nhiên, để việc thực hiện mang lại hiệu quả cao cần có sự phối hợp, hỗ trợ của cả hệ thống chính quyền. Phòng ngừa là mục tiêu hàng đầu của đề án, nhưng khi được triển khai đề án này cũng nhằm giúp cho các lực lượng PC&CC biết cách phối hợp, ứng phó mọi tình huống với các sự cố cháy, nổ xảy ra có ảnh hưởng lớn đến ô nhiễm môi trường…

Hoàn thiện để đi vào thực tiễn

Nhằm áp dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả cao nhất, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức buổi hội thảo để lấy ý kiến đóng góp cho đề án này. Đề án: “Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ trên địa bàn tỉnh” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Trong đó, các ý kiến đóng góp, phản biện từ những chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu về công tác PC&CC và sở, ban, ngành được đánh giá cao như: TS. Trần Viết Chỉnh, nguyên Trưởng phòng Kiểm tra an toàn PC&CC - Cục Cảnh sát PC&CC - Bộ Công an nêu vấn đề về việc cần đánh giá chính xác thực trạng của lực lượng và phương tiện của lực lượng PC&CC hiện nay của tỉnh đã đáp ứng được đến đâu nhằm có sự quan tâm, đầu tư hợp lý…; ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì cho rằng cần phải cập nhật thông tin thống kê mới nhất để đem đến sự chính xác cho nội dung của đề án, đồng thời cần ngắn gọn và tránh trùng lắp trong một số nội dung...; Thượng tá Nguyễn Hồng Minh - BCHQS tỉnh đề xuất cần nghiên cứu thêm ở tính cấp thiết để nêu bật tầm quan trọng của đề án, trong đó tập trung về công tác phòng ngừa là chính…

Đại diện cho đơn vị chủ trì của đề án, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời sẽ tổ chức nghiên cứu và tiến hành bổ sung vào nội dung nhằm giúp cho đề án được hoàn thiện hơn…

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị chủ trì cần xem xét bổ sung một số nội dung cơ bản như: Đề án phải xác định mục tiêu chính nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, thiết thực và nhanh chóng nhất mọi tình huống có thể xảy ra; phải quản lý được tất cả doanh nghiệp thông qua phần mềm để dễ dàng xác định được địa điểm, chức năng kinh doanh… nhằm tăng hiệu quả trong công tác PC&CC. Trong các loại hình cháy cần phải nêu rõ được những đặc trưng nhất hiện nay của tỉnh, đồng thời phải kèm theo các biện pháp xử lý tình huống thích hợp…

 

BÌNH MINH - NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên