Xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn

Cập nhật: 19-05-2017 | 10:41:07

Kể từ khi ra đời cho tới nay, trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã cùng toàn thể dân tộc lập nên nhiều chiến công hiển hách, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược; từng bước làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong các nhân tố tạo nên sức mạnh to lớn và những chiến công hiển hách ấy, xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung đặc biệt quan trọng, mang tính lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963. (ảnh tư liệu)

Xây dựng quân đội về chính trị là vấn đề cốt lõi của xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, do vậy, ngay từ năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vấn đề cơ bản hàng đầu để tổ chức, lãnh đạo các đội du kích là “phải có con đường chính trị đúng” [1]. Ngày 22/12/1944, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định. “Tên đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự” [2]. Tiếp đó, ngày 25/10/1951, trong bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội (nay là Học viện Chính trị), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải học tập chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” [3]... Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành ngọn đuốc soi đường, phương châm định hướng cho mọi hoạt động của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam, góp phần đưa một đội quân nhỏ trong những ngày đầu thành lập trở thành một đội quân hùng mạnh, mang lá cờ bách chiến, bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến thắng lợi cuối cùng.

Điểm cốt lõi xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội. Bởi vì, phạm trù quân đội bao giờ cũng gắn với phạm trù giai cấp và Nhà nước; quân đội bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định. QĐND Việt Nam là công cụ sắc bén của Nhà nước XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, là quân đội mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Bản chất ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát nhân dịp quân đội tròn 20 tuổi (22/12/1944 - 22/12/1964): “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” [4].

Xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội trước hết là lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, coi đó là vấn đề sống còn của cách mạng. Để xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa giỏi về nghệ thuật quân sự. Bởi vì “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [5]; người cán bộ quân đội phải “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có tài lại vừa có đức. Lãnh tụ Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa đức nhưng Người coi đức là gốc: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích gì được ai” [6]. Đây chính là sự thống nhất biện chứng gắn bó hữu cơ với nhau giữa đức và tài trong nhân cách người cán bộ quân đội, không thể thiếu hoặc yếu mặt nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là “tiêu chuẩn số một của người cách mạng”, Người khái quát: “Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời hy sinh phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” [7]. Người cán bộ, đảng viên có đủ đức, đủ tài mới khơi dậy và phát huy được tiềm năng to lớn của quần chúng trong đơn vị. Làm tốt được điều đó là góp phần xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, đảm bảo cho quân đội giữ vững con đường chính trị, tự giác tuân theo kỷ luật của cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong tư tưởng xây dựng quân đội về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp công nhân của quân đội không phải là cái gì đó xa vời mà luôn gắn bó chặt chẽ với tính nhân dân, tính dân tộc. Do nhìn thấu sức mạnh to lớn và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, lực lượng chính trị là ở dân. Quân tốt, dân tốt, muôn sự đều nên. Gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [8]. Đối với quân đội, chỗ dựa vững chắc nhất là nòng dân. Cho nên phải “lấy dân chúng (công nông làm gốc), dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân” [9]. Nhấn mạnh vấn đề này, Người chỉ rõ: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ...” [10]. Vì vậy, quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, đồng thời phải biết dựa vào dân thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Quân đội mà xây dựng được trận địa lòng dân thì bất kỳ việc gì khó cũng làm được và nhất định thắng lợi” [11]. Đây là nội dung xuyên suốt trong tư tưởng xây dựng quân đội về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó khác hẳn quan điểm quân sự tư sản, chỉ lấy vai trò của chỉ huy với một đội quân nhà nghề cùng súng ống, vũ khí và trang bị kỹ thuật làm sức mạnh. Chính thực hiện tốt mối quan hệ quân dân mà trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để xây dựng quân đội. Đáp lại sự đùm bọc thương yêu đó, trong bất luận hoàn cảnh nào, quân đội cũng vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà hy sinh. Sự hy sinh hết mình vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam anh hùng, làm cho hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” càng gần gũi, thân thương trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Ngoài thực hiện tốt mối quan hệ quân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị cần phải thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất của bộ đội, làm tốt chính sách hậu phương quân đội. Vì theo Người, động viên sức dân phải gắn liền với bồi dưỡng sức dân, quan tâm chăm lo đến quyền lợi, lợi ích của từng người, từ người cán bộ cấp tướng đến chiến sĩ cảnh vệ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách đối với quân đội là chính sách đối với những người lao động đặc biệt, phải được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước và của toàn dân, “Bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi cả tính mệnh. Cụt chân, gãy tay, chân tay không thể mọc lại. Người chết không thể sống lại. Đó là một hy sinh tuyệt đối...” [12]. Cũng theo Người, “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng” [13]. Công bằng theo quan niệm của Người không phải là san đều, cào bằng mà bao giờ cũng dựa trên cống hiến của mỗi người và hướng mọi người cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng. Người thường phê phán “bệnh tỵ nạnh”, “bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng”. Người luôn nhấn mạnh phải đặt lợi ích của mỗi người trong lợi ích chung của đất nước.

Một nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” [14]. Do vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Người nhấn mạnh “phải tăng cường công tác chính trị, luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta”, làm cho “mỗi người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước” [15]. Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta đã cho thấy một thực tế: Đảng không phải là ở bên ngoài, mà trở thành máu thịt, thành thuộc tính bản chất của QĐND Việt Nam. Chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, QĐND Việt Nam mới giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc; mới đảm bảo cho quân đội ta thật sự là quân đội của dân, do dân và vì dân.

Cùng với việc chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, định ra hệ thống chính ủy, chính trị viên để bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Người khẳng định: “Trong việc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh xây dựng và củng cố công tác chính trị” [16]. Đối với người chính trị viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tư cách người chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ thì bộ ấy không tốt”. Và Người yêu cầu “Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội” [17]. Thực hiện tốt điều đó làm cho đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện.

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của quân đội ta trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, mà còn là nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới; đảm bảo cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đủ sức mạnh đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ nhất, xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng nền tảng tư tưởng của quân đội ta. Ngày nay, dù chủ nghĩa xã hội hiện thực có bị tổn thất nghiêm trọng, cách mạng nước ta còn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, kẻ thù có ra sức xuyên tạc, bài bác chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng ta, Nhân dân và Quân đội ta vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là ngọn cờ tất thắng của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng lý tưởng, mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH của quân đội. Có được lý tưởng, mục tiêu đúng đắn và quyết tâm chiến đấu, hy sinh theo lý tưởng, mục tiêu đó, QĐND Việt Nam sẽ xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thứ ba, xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐND Việt Nam. Đảng lãnh đạo quân đội là thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân; thông qua công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, cán bộ với các nguyên tắc và phương thức thích hợp. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội thông qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hệ thống tổ chức đảng các cấp trong quân đội.

Thứ tư, xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong quân đội và giữa quân đội với các thành tố trong hệ thống chính trị, với nhân dân và với bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là yêu cầu xuyên suốt mà còn là giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng. Trong giai đoạn cách mạng mới, trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước, quốc tế và khu vực, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong quân đội và giữa quân đội với các thành tố trong hệ thống chính trị, với nhân dân và với bạn bè quốc tế vẫn luôn là vấn đề có tính nguyên tắc, là một bài học được đúc kết qua thực tiễn xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của quân đội ta. 

Theo ThS Lê Văn Phong, Viện Lịch sử Quân sự/mod.gov.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên