Xây dựng thành phố thông minh Bình Dương: Nhiều cơ hội lẫn thách thức

Cập nhật: 16-12-2016 | 23:40:52

Sáng qua (16-12), UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà”, đồng thời công bố cơ cấu tổ chức Dự án Thành phố thông minh Bình Dương và các chương trình hành động cụ thể trong năm 2017. Hội thảo lần này cũng đánh dấu sự khởi đầu hợp tác chính thức giữa tỉnh Bình Dương với Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF)…

 

 Toàn cảnh buổi Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà”. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Tham dự hội thảo, về phía tỉnh Bình Dương có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Về phía Hà Lan có ông Simon van der Burg, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh; ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng tỉnh North Brabant, Giám đốc chương trình phát triển Brainport. Về phía ICF có ông Louis Zacharilla, Người sáng lập kiêm Phó Chủ tịch ICF.

Binh Duong Navigator 2021- Chương trình chiến lược đột phá

 

Theo ông Louis Zacharilla, Người sáng lập kiêm Phó Chủ tịch ICF, dựa trên kinh nghiệm của thành phố Eindhoven và vùng Braniport Eindhoven, Bình Dương đã quyết định tham gia vào ICF. ICF đã công nhận Bình Dương là khu vực đầu tiên của Việt Nam chính thức tham gia vào chương trình và ủng hộ mạnh mẽ. Sự công nhận này của ICF cũng đã thể hiện niềm tin của họ rằng Bình Dương có những khát vọng và kế hoạch rất đúng đắn, phù hợp để đạt được những mục tiêu to lớn của tỉnh.

Sau nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, lãnh đạo và chuyên gia 2 tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven (Hà Lan) đã khẳng định tính khả thi trong việc ứng dụng mô hình “ba nhà” vào Bình Dương, với những sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương. Cơ quan đại diện và cũng là đại sứ của hoạt động hợp tác này là Hội đồng Cố vấn “ba nhà”, bao gồm các lãnh đạo đến từ Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường - viện nghiên cứu. Đây không chỉ là tổ chức ảnh hưởng đến các quyết định, hội đồng này mà còn có ý nghĩa và tác động lớn đối với sự tham gia của một số lãnh đạo quan trọng nhất trong các lĩnh vực. Toàn bộ đề án, trong đó có Hội đồng Cố vấn “ba nhà” sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo chung của Ban chỉ đạo và chương trình hành động sẽ được thực thi bởi Ban điều hành và Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương.

 

 

Đồng thời, nhằm cụ thể hóa Chương trình số 22/CTr-TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 (còn gọi là Binh Duong Navigator 2021) và là trọng điểm của dự án Thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình này tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà trường và doanh nghiệp. Đây là một chương trình giúp Bình Dương phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó từng bước chuyển hóa từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao và dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Chương trình này sẽ cụ thể hóa và hỗ trợ các chương trình đột phá khác của chính quyền tỉnh.

Ông Louis Zacharilla, Người sáng lập kiêm Phó Chủ tịch ICF, cho biết Chương trình Binh Dương Navigator 2021 hướng đến việc gia tăng GDP trong ngành công nghiệp và dịch vụ tại Bình Dương bằng cách cải thiện nhiều khía cạnh của cơ sở hạ tầng trong tỉnh, giúp thu hút đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao với giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế của địa phương. Những yếu tố cơ bản này được học từ quốc tế. Cụ thể, thành phố Eindhoven và vùng Brainport Eindhoven (Hà Lan), khu vực công nghệ cao đã được xây dựng rất thành công bao quanh thành phố, là đối tác chiến lược và đồng thời trực tiếp tham gia vào dự án Thành phố thông minh Bình Dương. Chương trình Binh Duong Navigator 2021 được điều chỉnh cho phù hợp với môi trường địa phương, với mô hình quản lý thích hợp với hệ thống chính trị và xã hội của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết Binh Duong Navigator 2021 là một chương trình tích hợp có phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực, bao gồm lực lượng lao động (con người), nghiên cứu và phát triển (công nghệ), doanh nghiệp và quan hệ doanh nghiệp (doanh nghiệp), môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng (yếu tố cơ bản). Binh Duong Navigator 2021 khuyến khích các dự án được xây dựng trong bốn lĩnh vực này, trong đó đặc biệt chú trọng đến xây dựng thương hiệu và xác lập vị thế của tỉnh. Dấu ấn thương hiệu và vị thế của mô hình “ba nhà” góp phần cải thiện nhận thức trong toàn vùng và đưa Bình Dương thành một điểm sáng với thế mạnh về sản xuất và kỹ thuật trong nước và ngoài nước.

Triển khai chương trình hành động thiết thực

Chia sẻ về chương trình hành động trong thời gian tới, ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển Brainport, cho biết sử dụng hình thức chương trình phát triển của Brainport, mô hình hợp tác “ba nhà” hiện nay là cơ chế hợp tác giúp phát triển chương trình hành động, phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Dương. Việc nắm bắt và sử dụng công nghệ mới là yếu tố làm nên một thành phố thông minh, chứ không phải bản thân công nghệ đó. Do đó, để thực hiện tốt điều đó nên tập trung đầu tư vào chất xám, chú trọng phát triển nhân tố con người nhằm có những ý tưởng hay để ứng dụng vào thực tiễn. Bình Dương cần phải chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh, làm cho tỉnh trở thành một nơi đáng sống và làm việc.

Trong chương trình đột phá chiến lược 2021 của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh cũng đặt mục tiêu sẽ trở thành thành viên của ICF, lọt được vào Smart21 - 21 khu vực thông minh của năm. Do đó, năm 2017 Bình Dương sẽ chuẩn bị trước những điều kiện cần để kiểm tra khả năng của vùng và so sánh với những yêu cầu của chương trình ICF. Chương trình này tập trung vào nhiều khía cạnh của nền kinh tế địa phương và những yếu tố được cho là sẽ giúp khu vực đó phát triển kinh tế, như quyền truy cập internet, hệ thống giáo dục, hệ thống đổi mới, cơ sở hạ tầng, quản lý việc hợp tác và những yếu tố khác.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là một tiến trình còn khá mới mẻ, chưa có tiền lệ, với nhiều cơ hội và thách thức. Hội thảo lần này sẽ góp phần xác định phương hướng, tầm nhìn, giải pháp và nội dung thực hiện cụ thể trong việc triển khai đề án trong năm 2017; đồng thời xác định vai trò then chốt của mô hình “ba nhà” xét trong mối quan hệ tổng thể đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng đô thị thông minh. Qua đó góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hoạch định một chính sách phát triển thành công cho tỉnh Bình Dương trong tương lai.

Cơ cấu tổ chức gồm Ban Chỉ đạo, Hội đồng Cố vấn, Ban điều hành và Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương. Trong đó, Ban chỉ đạo gồm ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban; bà Mary Ann Schreurs, Phó Thị trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan) đồng Trưởng ban; ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh là thành viên; ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC là thành viên.

Hội đồng cố vấn “ba nhà” là ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn “ba nhà”.

Lãnh đạo Ban Điều hành gồm ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành; ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban điều hành.

Lãnh đạo Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương gồm ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Tổng Công ty Becamex IDC làm Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương; ông Joost Helms, Giám đốc Eindhoven Academy, Giám đốc EIPO, nguyên Phó Thị Trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan).

 PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên