Xây dựng thành phố thông minh: Cần tạo được sự kết nối

Cập nhật: 18-06-2019 | 10:16:28

Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đã triển khai xây dựng thành phố thông minh (TPTM) và đã mang lại hiệu quả. Đối với tỉnh Bình Dương, việc xây dựng TMTP dựa trên Đề án phát triển kinh tế- xã hội Bình Dương, triển khai theo môhình hợp tác “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), hướng tới đô thị thông minh. Đây có thể coi là bước đi của tỉnh trong việc hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đề ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xây dựng TPTM cần có thời gian, hướng đi phù hợp và đã đưa ra nhiều đề xuất cho Bình Dương trong xây dựng TPTM.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thành phố thông minh cần có sự chung tay của người dân và cộng đồng xã hội. Trong ảnh: Hội nghị thành phố thông minh Bình Dương lần thứ II - 2017 thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, trường đại học. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Sự tham gia của người dân, cộng đồng xã hội

Bình Dương thực hiện xây dựng TPTM trên mô hình “3 nhà”. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng TPTM cần có sự chung tay của người dân. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Minh Tân, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh - giảng viên trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cho biết khi xây dựng TPTM cần phải xác định làm TPTM để làm gì; mục tiêu xây dựng TPTM là gì; người dân được hưởng lợi gì, cải thiện được vấn đề gì. Khi người dân nhận thấy có lợi ích thì sẽ tham gia việc xây dựng TPTM. Mục đích cuối cùng của việc xây dựng TPTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, môi trường sống tốt, bao gồm môi trường an ninh, xã hội và kinh tế.

Cùng với đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức về việc xây dựng TPTM. Chẳng hạn, nếu triển khai giao thông thông minh nhưng khi người dân tham gia lưu thông không tuân thủ quy định, không có ý thức thì việc triển khai xây dựng TPTM đi ngược lại mục đích ban đầu. “Bí quyết để tạo nên môi trường đó cũng như tạo ra các TPTM chính là xây dựng các đô thị phát triển bền vững với nỗ lực không chỉ đến từ Chính phủ mà toàn xã hội. TPTM là thành phố biết tận dụng những công nghệ mới và số hóa để đơn giản hóa quy trình, cải thiện đời sống người dân, mang lại môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Minh Tân nói.

Bên cạnh đó, việc xây dựng TPTM cũng phải phát huy được mối liên hệ chặt chẽ của mô hình “3 nhà”; phải có sự gắn kết, cân đối và đưa ra phán quyết phù hợp. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cho rằng vai trò của khoa học - công nghệ rất quan trọng. Như tại Singapore, mặc dù là một trong những nước có nền khoa học - công nghệ tiên tiến nhưng vẫn mong muốn tiếp thu các công nghệ mới của các nước tiên tiến. Do đó, quốc gia này đã xây dựng những trung tâm vừa tiếp nhận công nghệ vừa huấn luyện, đào tạo nhân lực vận hành công nghệ đó một cách tối ưu.

“Bình Dương cần tập trung hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, tạo sự cân đối các nhà khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Nhà nước đóng vai trò trung gian cho sự liên kết đó”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Phong đề xuất.

Áp dụng công nghệ phù hợp

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ trong thời gian học ở nước ngoài ông thấy khi lưu thông trên đường cao tốc, đang chạy thì tài xế dừng xe vào điểm dừng trên đường cao tốc vì nhận được cảnh báo đã chạy quá tốc độ hơn 15 phút và phải dừng xe 15 phút để bù lại vào thời gian chạy quá tốc độ. Cảnh báo này được camera trên đường cao tốc ghi lại và chuyển đến tài xế. Có thể nói, việc áp dụng công nghệ trong điều khiển giao thông đã mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ nào thì phải tính toán, tùy tình hình thực tiễn để triển khai.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, vấn đề cần đặt ra là việc xây dựng đô thị thế nào là thông minh; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nào phù hợp là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng TPTM. “Tôi có dịp đi thăm một số nơi khởi nghiệp sáng tạo đổi mới ở Hoa Kỳ. Tôi nhận thấy, vai trò quyết định của khởi nghiệp vẫn là công nghệ, vì qua công nghệ sẽ xác định được việc triển khai cái gì, ứng dụng cái gì cho TPTM: Chẳng hạn cùng việc quản lý giao thông thì có hàng trăm công nghệ, nhưng việc lựa chọn công nghệ nào phù hợp thì phải lựa chọn”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Vế vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Minh Tân cũng chia sẻ, năm 2010 Tập đoàn IBM đã có đề xuất triển khai xây dựng TPTM ở TP.Hồ Chí Minh với 3 đề án giao thông thông minh, công nghiệp thông minh và hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, khái niệm TPTM còn mới, TP.Hồ Chí Minh chưa có sự chuẩn bị nên chưa triển khai theo đề xuất của IBM.

Do đó, để xây dựng TPTM, Bình Dương cần phải có bước chuẩn bị kỹ càng, cần lựa chọn công nghệ để ứng dụng, vận hành TPTM phù hợp và điều quan trọng là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu tốt. “Khi triển khai đề án, xây dựng quy hoạch cho TPTM mà thiếu cơ sở dữ liệu thì rất khó triển khai. Lúc này, các đề án, quy hoạch mang tính áp đặt, không thể đưa ra phân tích, áp dụng vào thực tế”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Minh Tân nhấn mạnh.

Ông Oliver Chen, Giám đốc cấp cao thị trường toàn cầu và quản lý đối tác LITE-ON Group (Đài Loan, Trung Quốc), nói: Không chỉ có các hạ tầng và nền tảng mà các cơ sở dữ liệu, ứng dụng chạy trên hạ tầng đó cũng cần kết nối, liên thông với nhau để các thành phố có thể tối ưu hóa nguồn lực. Bởi vì một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh nhưng đó chỉ là một mảnh ghép. Nếu nó không thể ghép với các ứng dụng và hạ tầng khác, chúng ta sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của TPTM.

HOÀNG PHẠM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên