Xây dựng thành phố thông minh: Doanh nghiệp phải hành động ngay từ bây giờ

Cập nhật: 28-11-2017 | 08:28:43

Hội nghị Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương năm 2017 diễn ra từ 25 đến 27-11 với rất nhiều hoạt động nổi bật, trong đó có triển lãm doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ. Bên lề hội nghị, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, xung quanh xu hướng phát triển DN Bình Dương trong tiến trình xây dựng TPTM.

 

 Khách tham quan Triển lãm DN khoa học - công nghệ. Ảnh: T.MY

 - Sở Công thương là đơn vị chủ trì triển lãm DN khoa học-công nghệ. Xin ông cho biết ý nghĩa của cuộc triển lãm?

- Qua quá trình phát triển, Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp. Cuộc triển lãm lần này là cơ hội để chúng ta nhìn lại những thành quả đã đạt được, trên cơ sở đó đề ra những định hướng nhằm phát triển lên một tầm cao mới theo đúng phương hướng đề ra trong đề án xây dựng TPTM. Triển lãm chia làm 2 khu vực: Khu vực cho các DN công nghệ và khu vực dành cho những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Ý nghĩa lớn nhất của nó đã nằm ngay trong việc phân khu này.

Tổng quát nhất, có thể hiểu rằng đây là dịp Bình Dương nhìn lại tất cả thành quả công nghệ đạt được trong thời gian qua và bằng những định hướng cụ thể trong đề án xây dựng TPTM Bình Dương, trong tương lai gần, chúng ta sẽ phát triển dịch chuyển nền công nghiệp còn lạc hậu, thâm dụng lao động sang nền sản xuất công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp.

- Thưa ông, việc xây dựng TPTM Bình Dương sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các DN nói chung và DN công nghệ tại Bình Dương nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?

- Hiện nay, Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để DN hội nhập trên cơ sở lựa chọn công nghệ phù hợp nhất, hiệu quả nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Về lĩnh vực công nghệ, chúng ta có thể thấy các công ty công nghệ ngày nay bắt đầu nhắm tới Việt Nam không chỉ để thành lập các cứ điểm sản xuất, mà còn xem xét để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và cơ sở dữ liệu (Data Base Center) như Samsung, Panasonic, Nissan, gần đây là Apple… Điều này đã đem đến rất nhiều cơ hội cho DN công nghệ tại Bình Dương.

Trước hết, quá trình hội nhập giúp các DN, đặc biệt là DN công nghệ, có cơ hội giao lưu, hội nhập với nền khoa học - công nghệ của thế giới. Từ đó DN có thể học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ thế giới phục vụ cho sự phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Việc chuyển giao các dây chuyền công nghệ, khoa học tiên tiến của thế giới vào từng ngành nghề tại Việt Nam đã và đang diễn ra, góp phần đưa các ngành này từng bước tiếp cận và đạt đến trình độ của thế giới.

Khi chúng ta xây dựng TPTM thì sẽ thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nền khoa học và công nghệ tiên tiến vào Bình Dương. Ví dụ như sự đầu tư của các nước có nền khoa học và công nghệ phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… sẽ giúp DN trong tỉnh tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý công ty, kinh nghiệm nghiên cứu thị trường và kế hoạch hóa chiến lược, đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng chiến lược marketing - mix quốc tế. Hơn thế, đây chính là cơ hội giúp cho các nhà khoa học và DN có cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao, từng bước thu hẹp khoảng cách về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phát triển, cũng như nâng cao năng lực sáng tạo khoa học - công nghệ của cá nhân và nền khoa học - công nghệ trong nước. Và trước áp lực phát triển, các DN sẽ phải đẩy mạnh giải pháp cho bài toán đa biến là liên kết với các nhà khoa học, nhà quản lý trong việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Theo ông, DN trong tỉnh sẽ gặp khó khăn, thách thức gì khi Bình Dương xây dựng TPTM?

- Theo tôi, cùng với cơ hội phát triển, bản thân DN sẽ phải đối phó với rất nhiều thách thức mới, kể cả rủi ro. Khi Bình Dương xây dựng TPTM hiện đại, đáng sống, môi trường đầu tư tốt thì lẽ đương nhiên các nhà đầu tư tìm đến Bình Dương nhiều hơn. Lúc này DN trong tỉnh sẽ gặp phải các đối thủ cạnh tranh nhiều hơn, thế lực cạnh tranh toàn cầu mạnh hơn, công cụ cạnh tranh và thủ đoạn cạnh tranh đa dạng, phức tạp hơn; thách thức về thị trường cũng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, mặt hàng sản xuất tại TPTM chất lượng phải tốt, sản phẩm phải đạt chi phí thấp, giá cả hợp lý, dịch vụ hoàn hảo, thời hạn giao hàng phải chính xác, kênh phân phối phải tiện lợi…

Thêm vào đó, trong “cơn lốc” của cách mạng công nghệ, DN ở các nước phát triển đang và sẽ phải nỗ lực cao để giành giật sự vượt trội và độc quyền công nghệ hiện đại. Đặc biệt, nó làm nảy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp - những lĩnh vực mà nước ta đang ở trình độ phát triển rất thấp so với họ. DN trong nước phải tìm ra được bước đột phá hữu hiệu nhằm đẩy lùi nguy cơ tụt hậu về công nghệ. Ngoài ra, DN trong nước còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, như thách thức về nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt, thách thức về tài chính nói chung và vốn đầu tư cho phát triển nói riêng, thách thức về bảo vệ môi trường…

- Vậy DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trong nước, phải hành động ra sao để thích ứng với những thách thức đặt ra khi triển khai xây dựng đề án TPTM Bình Dương, thưa ông?

- Hiện nay, đa phần DN có vốn đầu tư trong nước là DN vừa và nhỏ. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho các sản phẩm khoa học và công nghệ trong nước vẫn bị tụt hậu so với thế giới, dẫn đến năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này còn yếu. Bên cạnh đó, việc đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới, mà còn phải đổi mới cả một hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm. Mà những điều này nước ta vẫn còn nhiều điểm thiếu và yếu. Tuy vậy, tôi cho rằng “câu chuyện thành công với những bước đi nhỏ” là phương châm cần thiết của DN trong quá trình phát triển lâu dài. Nếu DN vững tin, hành động ngay từ bây giờ thì sẽ sớm bước qua khó khăn, thách thức.

Trong tương lai gần, trong quá trình xây dựng TPTM, Bình Dương sẽ tiếp tục tạo ra cơ chế, chính sách để có thể gắn kết chặt chẽ giữa “ba nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà DN), đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế. Chúng ta có quyền hy vọng sự hợp tác “ba nhà” đóng góp vào việc nâng cao vị thế thương hiệu Bình Dương như là một tỉnh công nghệ, sáng tạo và là cái nôi sản xuất. Điều này sẽ hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp mà Bình Dương quan tâm, cũng như việc thu hút đầu tư và nguồn lao động tri thức đến Bình Dương, mang đến cho Bình Dương một vị thế mạnh mẽ hơn so với các tỉnh lân cận, với Chính phủ và các mối quan hệ quốc tế.

- Xin cám ơn ông!

TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên