Xây dựng thành phố thông minh: Động lực thúc đẩy thu hút đầu tư

Cập nhật: 24-01-2019 | 08:18:33

Các chuyên gia đánh giá, xây dựng thành phố thông minh (TPTM), bên cạnh việc tạo bước phát triển đột phá mới cho Bình Dương còn góp phần tăng cường thu hút nhà đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao vào địa phương. Theo định hướng của Đề án TPTM Bình Dương, việc phối hợp “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, được coi là tiền đề cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 Phát huy mô hình “ba nhà”

Năm 2018, tại Bình Dương đã thành lập và đưa vào hoạt động hệ thống phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab), nơi thí điểm thực tiễn (Living Lab)… tiêu biểu như Becamex FabLab, phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông, phòng thí nghiệm cơ điện của trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore... Bên cạnh đó, tỉnh đã được phê duyệt thành lập FabLab chung của Bình Dương, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020.

 Việc xây dựng thành phố thông minh được đánh giá sẽ thúc đẩy Bình Dương thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực hành tại phòng Thí nghiệm của trường. Ảnh: XUÂN THI

Mục tiêu hàng đầu của Đề án TPTM Bình Dương là thúc đẩy giáo dục - đào tạo, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, sát yêu cầu thực tiễn thông qua phát huy mô hình “ba nhà”, gắn kết viện/trường và doanh nghiệp cũng như mở rộng quan hệ quốc tế, từ đó từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của các nhà đầu tư công nghệ cao vào tỉnh. Lực lượng lao động tri thức còn là nền tảng quan trọng giúp tỉnh có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, tạo tiềm lực để đột phá. Hiện tỉnh Bình Dương và các trường đại học trên địa bàn đang tiến hành nhiều đề án kết nối đào tạo với nhu cầu lao động trong điều kiện mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển TPTM của tỉnh trong giai đoạn 2018-2020...

Bên cạnh đó, với vai trò là động lực đột phá kinh tế, Đề án TPTM Bình Dương khuyến khích tinh thần doanh nhân, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu, tiến tới phát triển doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao. Song song với đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng là tiền đề phát triển kinh tế bền vững của Bình Dương. Trên cơ sở đó, Vườn ươm doanh nghiệp Becamex Business Ineubator dưới sự hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp, đặt tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông, đã đi vào hoạt động theo mô hình quốc tế. Đây là vườn ươm tiên phong tại Bình Dương, đã thu hút được 9 công ty công nghệ vào hoạt động.

Phát triển mạng lưới doanh nghiệp, nâng tầm thu hút đầu tư của tỉnh cả về lượng và chất là một trong 4 lĩnh vực quan trọng của việc phát triển Đề án TPTM Bình Dương, theo đó đề án chú trọng việc phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối mạng lưới doanh nghiệp, nâng tầm phương thức thu hút đầu tư, hướng đến doanh nghiệp công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao. Hiện tỉnh đang phối hợp với các bên nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Đây là cơ sở nền tảng để giúp cho việc quản lý doanh nghiệp từ Nhà nước hiệu quả hơn và trong tương lai có thể trở thành cơ sở dữ liệu mở trong một số lĩnh vực cụ thể để giúp các doanh nghiệp, tổ chức có thể kết nối, nghiên cứu, phân tích đầu tư.

Hiện nay, các khu công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh đang hướng dần về công nghệ cao, xanh, sạch, như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III được quy hoạch thành khu công nghiệp thu hút công nghệ xanh, bền vững. Tổng Công ty Becamex đang nghiên cứu triển khai khu công nghiệp khoa học - công nghệ (900 ha), gắn liền với cụm đại học và đô thị đại học, tạo tiền đề quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao, dịch vụ hàm lượng chất xám cao tại tỉnh.

Tiền đề thu hút đầu tư vào công nghệ cao

Trong quan hệ hợp tác quốc tế, thời gian qua Bình Dương hướng đến hình ảnh tầm quốc tế không chỉ với danh tiếng là khu vực tốt đề làm việc, sản xuất công nghiệp, mà còn là TPTM với môi trường sống năng động, sáng tạo. Bình Dương tập trung xây dựng, tiếp thị và xúc tiến thương hiệu, chia sẻ tham vọng và thành công của mình ra thế giới, mở ra nhiều kết nối hợp tác quốc tế và trong nước. Từ đó, Bình Dương có thể học hỏi kinh nghiệm, trao đổi nhân lực, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, hướng đến mục tiêu lâu dài là vùng kinh tế thông minh Bình Dương: Tự hào của Việt Nam, danh tiếng toàn cầu.

Trong năm 2018, vùng thông minh Bình Dương trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), được vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu nhất thế giới năm 2019 theo tiêu chí ICF; là khu vực duy nhất của Việt Nam, thứ 2 của ASEAN (sau Singapore) có tên trong danh sách này, từ đó mở rộng hợp tác với mạng lưới các đô thị thông minh, thịnh vượng thuộc ICF. Cũng trong năm 2018, Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA). Những thành quả này sẽ tạo ra danh tiếng quốc tế của Bình Dương, niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần gia tăng vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh.

Năm 2018, tiếp nối sự thành công của Hội nghị WTA, Bình Dương đã đăng cai và tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2018. Diễn đàn lần này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản trị, tập đoàn kinh tế kết nối giao thương, mở rộng thị trường, trao đổi kinh nghiệm quản lý trong thời đại toàn cầu hóa và xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, đồng thời phục vụ yêu cầu mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Horasis 2018, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh Bình Dương đang quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ lẫn đường thủy để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn. Tỉnh cũng đang phát triển mọi mặt về y tế, giáo dục để đáp ứng nguồn nhân lực cũng như chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Riêng Thành phố mới Bình Dương, tỉnh đang xây dựng một TPTM, tạo bước phát triển đột phá mới cho tỉnh, đồng thời tăng cường thu hút nhà đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao vào địa phương.

Ông Trần Thanh Liêm cho biết việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên nên chỉ trong 10 tháng năm 2018, tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả năm; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khả quan theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh; nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.478 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 31,8 tỷ USD. Trong những năm qua, Bình Dương luôn là một trong 3 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư (sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh). Bình Dương còn là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới, có thể kể đến như các tập đoàn Tokyu, Rohto, Warburg Pincus, Tetra Park, Tata Coffee Limited...

 PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên