Xây nhà ở công nhân: Gỡ vướng... để đạt mục tiêu!

Cập nhật: 03-11-2011 | 00:00:00

Toàn tỉnh hiện có 620.000 lao động ngoài tỉnh đang làm việc ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, trong đó công nhân (CN) chưa có nhà ở chiếm trên 80%. Với tổng diện tích sàn của nhà ở CN (cả doanh nghiệp và nhà trọ) khoảng 2,2 triệu m2 thì diện tích sàn bình quân của Bình Dương mới đạt 4,4m2/người (nếu tính đất ở chỉ đạt 4m2/người), chưa đạt tiêu chuẩn 5m2/người như Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg. Vì vậy, tỉnh đang có nhiều chính sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho CN...

Doanh nghiệp xây nhà ở cho CN

Trong tình hình giá cả tăng cao, nhà trọ tăng giá từng ngày, việc doanh nghiệp (DN) xây nhà ở cho CN được xem là một trong những giải pháp giữ chân người lao động. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có khoảng 225 DN dành một phần diện tích đất sản xuất, kinh doanh hoặc mua đất bên ngoài để xây nhà ở cho CN. Tổng diện tích sàn khoảng 300.000m2, giải quyết cho khoảng 60.000 CN.

 

Xây dựng nhà ở cho CN ổn định là một trong những giải pháp giúp DN giữ chân người lao động

Một trong những DN điển hình xây nhà ở cho CN là Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương. Thời gian qua, công ty chi trên 27 tỷ đồng để xây khu nhà ở cho CN trên diện tích hơn 1.100m2 gồm 106 phòng, sức chứa 1.000 người. Theo đại diện công ty thì, số lao động ngoài tỉnh của công ty chiếm hơn 80% nên nhu cầu về nhà ở cho CN rất lớn. Để giảm bớt khó khăn cho CN, công ty đã xây nhà cho CN ở miễn phí. Đặc biệt, với đặc thù CN ngành may mặc biến động thường xuyên nên xây nhà ở cho CN nhằm ổn định lao động, giúp CN có chỗ nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc.

Công ty Cổ phần Thép Hồng Nam (Tân Uyên) xây khu nhà ở miễn phí rộng gần 500m2, cung cấp chỗ ở cho khoảng 100 CN bên cạnh khu vui chơi giải trí khác rộng khoảng 3.000m2. Ông Nguyễn Minh Hồng, đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi xây nhà ở cho CN với mục đích góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho họ. Có thể nói, đây là giải pháp để giữ chân người lao động. Bởi CN là người chịu nhiều khó khăn, nhất là chi phí thuê nhà luôn tăng trước khi tăng lương. Mặt khác ở đây, chúng tôi quản lý được giờ giấc sinh hoạt của CN, bảo đảm sức khỏe để tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả lao động cho công ty”.

Gỡ vướng... để đạt mục tiêu!

Lợi ích từ việc DN xây dựng nhà ở cho CN chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên thời gian qua, hầu hết DN không mặn mà về vấn đề này. Nguyên nhân là do DN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 620.000 lao động ngoài tỉnh đang làm việc, trong đó số lượng CN chưa có nhà ở chiếm trên 80%. Với tổng diện tích sàn của nhà ở CN (cả DN và nhà trọ) khoảng 2,2 triệu m2 thì diện tích sàn bình quân của Bình Dương mới đạt 4,4m2/người (nếu tính đất ở chỉ đạt 4m2/người), chưa đạt tiêu chuẩn 5m2/người như Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết theo Chương trình phát triển nhà ở xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 2011-2015, thì nhu cầu xây dựng nhà ở cho CN giai đoạn này phải đạt khoảng 2 triệu m2. Thế nhưng hiện nay, một số quy định về xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở CN chưa thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều DN và việc triển khai cũng còn gặp khó khăn.

Vì vậy, để chương trình nhà ở CN đạt hiệu quả và khả thi cũng như có đủ nguồn lực để triển khai thực hiện trong thời gian tới, Chính phủ đã bổ sung cơ chế, chính sách phát triển nhà ở CN, cho phép DN nằm ngoài KCN được hưởng các cơ chế, chính sách về xây dựng nhà ở cho CN như các DN trong KCN. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ khuyến khích, ưu đãi và mời gọi DN đầu tư xây nhà ở cho CN nằm ngoài các KCN. Đồng thời, xác định lại nhu cầu nhà ở hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để DN, cộng đồng cùng đầu tư xây nhà ở CN... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần sớm sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định, nghị quyết đã được ban hành theo hướng tháo gỡ vướng mắc thực tế đã chứng minh là bất cập thể hiện trong thời gian qua. Cụ thể về quỹ đất dành cho nhà ở CN, chủ trương cần nhất quán có nghĩa là Nhà nước phải tạo ra quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư, Nhà nước phải đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đấu nối hạ tầng kỹ thuật.

Về tiêu chuẩn thiết kế và cho thuê, giá bán nhà ở cho CN, đối với khu vực đô thị hóa cao cho phép thiết kế không quá tỷ lệ 10% căn hộ có diện tích từ 20 - 30m2 sàn cho CN hay người thu nhập thấp độc thân sử dụng. Về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở CN, cần có cơ chế, chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp sửa chữa nhà cho CN thuê (nhà trọ); xây dựng, quy định cơ chế phối hợp giữa DN đầu tư xây nhà ở và DN sử dụng lao động về thuê, mua sản phẩm nhà ở cho CN...

TIỂU LIÊN

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên