Xe ben cày nát đường ĐT746 

Cập nhật: 29-09-2014 | 09:31:06

Những đoàn xe ben vận chuyển cát, đá nối đuôi chạy trên đường từ sáng đến tối khiến mặt đường rung chuyển, hư hỏng, tạo ra nhiều ổ voi, ổ gà. Ngoài việc đi lại khó khăn, hàng trăm hộ dân sống ở mặt tiền đường đang phải gồng mình chống chọi với nạn ô nhiễm từ bụi đá!

Xe ben cày nát mặt đường ĐT746

Ăn, ngủ cùng bụi!

Chỉ mới hơn 6 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt ở địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên đã tận mắt chứng kiến những đoàn xe ben chở đá, cát nối đuôi di chuyển từ hướng xã Thường Tân ngược ra. Con đường nhỏ nằm sát mép sông Đồng Nai bắt đầu rung chuyển theo tiếng gầm của động cơ, kèm theo đó là bụi cuốn mịt mù. Có những đoạn bụi phủ trắng xóa cả đường, hạn chế tầm nhìn của người lưu thông. Theo người dân địa phương, những đoàn xe chở đá, cát này hoạt động liên tục như thế từ sáng sớm cho đến chiều tối, đồng nghĩa người dân hai bên đường phải sống chung với bụi nhiều năm nay.

Những ngày gần đây, ngành chức năng đã cho tu sửa lại những nơi mặt đường hư nặng bằng cách đắp đá, lu lèn để tạo mặt bằng chứ không thảm nhựa. Người dân địa phương cho biết, cách làm này chỉ mang tính đối phó tạm thời, bởi chỉ sau một thời gian ngắn đường lại nhanh chóng xuống cấp như trước.

Bụi bao phủ trắng nhà cửa, tường rào, cây trái. Bụi tấn công vào tận buồng ngủ, bếp ăn nên trở thành nỗi ám ảnh của bà con. Hai bên mặt đường, những vườn cây ăn trái xanh mướt thuở nào giờ trở nên xơ xác. Ông N.V.B., ngụ ấp 2, xã Thường Tân, tâm sự: “Mấy sào bưởi của gia đình tôi từ lâu không còn thu hoạch, cây bị rụng lá trơ cả gốc vì bụi bao phủ. Gia đình tôi cũng có nhiều người đang mắc bệnh viêm xoang, viêm thanh quản nhiều năm nay, phải chữa trị tốn kém rất nhiều tiền nhưng không khỏi bệnh”. Một cán bộ xã Thường Tân cho biết hiện trong xã có rất nhiều người mắc các chứng bệnh liên quan đến hô hấp do ô nhiễm bụi. Việc này địa phương đã báo cáo lên chính quyền các cấp.

Cũng vì ô nhiễm bụi mà không ít hộ dân đã khóa kín cửa nhà ở mặt tiền đường, tìm vào những vườn cây trái để “lánh nạn”. Cũng không ít người rao bán nhà đi tìm một nơi có không khí trong lành hơn để sinh sống. Bà N.T.L., chủ một quán ăn ở ấp 4, xã Tân Mỹ bức xúc: “Nhiều năm nay, chúng tôi chỉ còn biết ăn, ngủ cùng bụi. Do bụi ngày càng nhiều, nên việc buôn bán ế ẩm, không đủ chi tiêu cho con cái học hành. Không ít người đến ăn sáng than thở với tôi: Thà ở nhà ăn tô mì gói còn hơn ra quán ngồi hít bụi! Đó là sự thật, cũng là nỗi đau của bà con”.

Trên tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận có một số trường tiểu học, trung học nằm sát mép đường, tình trạng bụi trắng bao phủ trường lớp, bàn ghế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em học sinh. Đường ĐT746 hư hỏng nặng khiến nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn không khỏi băn khoăn. Cô Phạm Thị Nghĩa, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Thường Tân, tâm sự: “Đa phần các cháu ở trường đều được ông, bà đưa đón mỗi ngày. Mặt đường quá xấu, mỗi lúc trời mưa thì nước ngập lênh láng nên khó nhận ra đoạn nào hư hay không hư, nên dễ bị lọt ổ gà, ổ voi. Các cụ thì chân yếu, tay run nên khó làm chủ được tay lái”.

Đường xuống cấp

Hơn 10km đường từ xã Tân Mỹ đến xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, ổ gà, ổ voi chằng chịt trên mặt đường khiến việc lưu thông của bà con gặp nhiều khó khăn. Anh N.V.D. ở ấp 4, xã Thường Tân, bức xúc: “Lượng xe ben chở đá, cát xuất hiện ngày càng nhiều khiến đường quá tải. Trời nắng thì bụi bay mù, cách khoảng 100 mét là không thể nhìn thấy nhau; trời mưa là sình lầy, bám đầy xe cộ, quần áo. Chưa hết, tình trạng xe ben ở đây phóng nhanh vượt ẩu thường xuyên diễn ra. Có lúc vì giành đường, tài xế lao thẳng vào sát sân nhà tôi, thật quá nguy hiểm. Ở đây lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, nhưng thấy vắng bóng lực lượng là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu của cánh tài xế lại diễn ra như cũ, khiến người dân bất an”.

Trao đổi với chúng tôi về những bức xúc của bà con, ông Nguyễn Minh Can, Chủ tịch UBND xã Thường Tân, cho biết: “Đường ĐT746 đoạn qua xã Tân Mỹ và Thường Tân xuống cấp là không thể tránh khỏi và rất khó khắc phục, bởi trên địa bàn hai xã này hiện có trên 10 doanh nghiệp khai thác đá, cát, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ben vận chuyển đá đến các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nếu không lưu thông trên đường ĐT746 thì không còn đường nào để đi…”. Cũng theo ông Can, con đường này trước đây là đường sỏi đỏ, khoảng năm 2005 tỉnh cho xây dựng đường nhựa, nhưng là loại nhựa nhủ tương chứ không phải nhựa nóng. Đường chỉ thiết kế cho xe có trọng tải dưới 15 tấn, nhưng những xe ben chở đá luôn có trọng tải trên 30 tấn đã xé nát đường. Năm nào cũng vậy, chính quyền địa phương đều vận động các doanh nghiệp san lấp lại những nơi bị hư hỏng nặng, nhưng sửa chỗ này lại hư chỗ khác. “Để người dân không còn chịu ô nhiễm bụi, chỉ còn cách đầu tư xây mới lại tuyến đường có trọng tải lớn hơn, kiên cố hơn”, ông Can nói.

QUẢNG ĐIỀN - CÔNG KHANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên