Chưa bao giờ người chơi môtô Việt Nam lại đứng trước cơ hội sở hữu và lưu hành hợp pháp xe trên 175 phân khối dễ dàng như lúc này. Bằng việc ban hành thông tư số 38/2013 bãi bỏ hạn chế cấp bằng A2, Bộ Giao thông Vận tải mở cánh cửa cho người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp kinh doanh môtô.
Bằng A2 bỏ hạn chế là nguyên cớ trực tiếp, nhưng sâu xa hơn, theo các chuyên gia thị trường cũng như những người kinh doanh xe nhập khẩu nhiều năm thì nền công nghiệp xe hai bánh Việt Nam đang có những bước chuyển mình âm ỉ, tiền đề cho sự phát triển của thị trường mới, thị trường môtô. Bằng A2 là một hạn chế khiến những xe 250 phân khối không thể tới tay người chơi.
So sánh giữa Việt Nam và những nước khác có nhu cầu sử dụng xe máy lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia thì đầu mục sản phẩm có sự phân biệt khá rõ. Nền công nghiệp xe máy Việt phát triển khoảng 15 năm, kéo dài suốt thời gian này là đất diễn của dòng underbone, lác đác thêm vào một số môtô nhập khẩu phục vụ phần nhỏ những người chơi có đam mê và sẵn sàng tài chính. Trong khi đó tại những thị trường khác, sportbike và nakedbike cỡ nhỏ lại là phân khúc mang về nhiều lợi ích cho nhà sản xuất.
Nhưng dựa trên những số liệu thực tế, các chuyên gia cho thấy thị trường xe máy phổ thông Việt Nam sắp bão hòa. Bằng chứng là lượng xe tiêu thụ hiện nay đạt con số khoảng 2,47 người/xe, trong đó thị trường Thái Lan là 2,9 người/xe được coi là đã bão hòa. Xu hướng thị trường hai bánh ở xứ chùa Vàng đang dần chuyển sang xe môtô phân khối lớn, nhờ các chính sách mở rộng sản xuất và lưu hành của chính phủ
Theo tính toán của Bộ Công Thương, chỉ sau vài năm nữa lượng xe máy ở Việt Nam có thể đạt 2, 97 xe/người, vượt qua cả con số Thái Lan hiện nay. "Thị trường xe ga, xe số phổ thông sắp thoái trào nên việc chuyển dịch sang dùng môtô là điều tất yếu", một chuyên gia chiến lược trong ngành xe máy Việt Nam cho biết.
Mầm mống của việc sử dụng môtô bắt nguồn từ lâu với các huyền thoại xe côn tay. Kể từ sau khi Yamaha ra phiên bản côn tay của Exciter, các xe 150 phân khối nhập khẩu ngày càng được nhiều người sử dụng thì thị trường trong nước dần chuyển biến. Người kinh doanh cân nhắc đưa về nhiều mẫu xe hơn, trong đó nhiều nhất vẫn là phân khúc xung quanh 100 triệu đồng.
Anh Hoài Nam, người kinh doanh môtô nhập khẩu lâu năm nhận định, dù sang năm mọi rào cản đã bị gỡ bỏ, người tiêu dùng có cơ hội dễ dàng hơn để sở hữu môtô thì phân khúc nở rộ vẫn cầm chừng ở mức 100 triệu đồng, bởi lẽ cao hơn nữa đã nằm ngoài tầm với của số đông khách hàng.
Những chiếc môtô 600 hay 1.000 phân khối hiện nay chỉ phục vụ một số lượng khách hàng khá nhỏ, bởi kinh tế vẫn là vấn đề lớn. Chỉ có những người chịu chơi mới có thể bỏ số tiền ngang ngửa một chiếc xe hơi để sở hữu chiếc môtô chỉ phục vụ lợi ích cá nhân.
"Các hãng nếu có nhảy chân vào thị trường sẽ bắt đầu từ những xe nhỏ tầm tiền 100 triệu", anh Nam nhận định.
Honda CBR150R, Yamaha R15, FZ16 là những mẫu xe có lượng bán khá tốt. Tại các showroom, khách hàng đến xem xe nhiều người thích CBR250R hơn so với CBR150R nhưng quyết định mua xe lại là CBR150R, lý do vì khoảng cách giá khá lớn, 100 triệu so với 160 triệu là cả một vấn đề. Nhưng cũng không ít người có thể mua chiếc 250 phân khối nhưng lại bị hạn chế bởi bằng A2, nhóm khách hàng này sẽ là tiền đề chuyển lên các phân khúc cao hơn vào năm sau khi hạn chế bằng A2 được gõ bỏ.
Có 3 lý do lớn mà các hãng xe trước đây chưa đưa môtô về phân phối tại Việt Nam là hạn chế bằng A2, giá tiền đắt đỏ và điều kiện giao thông. Nhưng những vấn đề này đã dần được khắc phục, giá xe đang trên đà giảm do sản xuất tại châu Á, điều kiện đường sá tốt hơn, cuối cùng bằng A2 sẽ chính thức bỏ hạn chế từ năm sau. Yamaha R25 mới ra mắt khẳng định nhằm vào thị trường châu Á.
Trong xu thế phát triển thị trường mới, Honda với lợi thế mạng lưới bán lẻ phủ kín toàn quốc, marketing bài bản được đánh giá là có lợi thế thâm nhập thị trường tốt hơn. Yamaha đang dần đuối đi nhiều so với đối thủ sừng sỏ Honda (60% thị phần), vì thế cuộc đua sẽ là song hành nếu hãng này không muốn ngày càng bị đối thủ bỏ xa. Suzuki trong các bước phát triển làm lại thị trường đã chuyển hẳn sang phân khúc xe côn tay với những EN 150-A, Axelo, mới đây nhất hãng này lại chuẩn bị tung ra thị trường phiên bản GSX-R 150 phân khối cho châu Á.
Thị trường châu Á và phân khúc nhỏ đang là mục tiêu của tất cả các hãng xe trên thế giới. Ông chủ của những BMW, Ducati hay Triumph đều cho rằng châu Âu hay Mỹ không còn là mỏ vàng cho môtô, mà chính là thị trường đang nổi châu Á. Bằng chứng cho thấy là các hãng đều đã ra sản phẩm nhỏ như Triumph 250, KTM Duke hay RC 125, 200.
Mới đây nhất Honda ra CBR300 thay thế CBR250, Yamaha ra R25, cuộc chiến với Kawasaki Ninja 300 càng trở nên hấp dẫn. Khi đã nới lỏng A2, các hãng lấp ló xuất hiện tại thị trường Việt Nam càng nhiều. Piaggio cũng không ngồi yên mà chuẩn bị cho kế hoạch đưa thương hiệu con Aprilia về Việt Nam tham chiến, mẫu xe được nhiều người chơi biết đến nhất là Aprilia RS125.
"Người chơi thích 250 phân khối nhưng chỉ có khả năng chi trả ở mức 150 phân khối", anh Nam khẳng định về tầm chung của khách hàng mua môtô tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra cho các hãng có chăng là tìm cách giảm giá thành của các mẫu xe A2 hạng nhỏ, đưa về mức giá quen thuộc, xung quanh khoảng 100 triệu đồng.
Để làm được điều này, không loại trừ khả năng trong tương lai gần những mẫu môtô cỡ nhỏ sẽ được lắp ráp và phân phối tại Việt Nam, điều mà các hãng đã làm nhiều năm nay tại các thị trường châu Á lân cận.
Theo VnE