Xóm nhang Dĩ An nhộn nhịp mùa tết

Cập nhật: 11-01-2012 | 00:00:00

Hiện nay, phường Dĩ An, TX.Dĩ An có hơn 60 hộ còn lưu giữ nghề truyền thống là làm nhang, tập trung chủ yếu tại khu phố Nhị Đồng và Bình Minh II (phường Dĩ An). Để đáp ứng đủ lượng hàng nội địa và xuất khẩu dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, những cơ sở làm nhang tại đây đang hoạt động hết công suất. 

Nghề chẻ tăm nhang du nhập vào Dĩ An từ năm 70-85 của thế kỷ trước. Nghề sản xuất thủ công có chút... gắn với tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo, dân gian này không chỉ tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa trên mảnh đất Dĩ An mà còn nuôi sống được những người trót đã theo nghề nghiệp của gia đình. Ngoài ra, cũng chính họ góp phần gìn giữ, phát triển được ngành nghề của địa phương. Đến thăm gia đình bà Tô Thị Kỷ, 82 tuổi, ngụ tại số 11/35, đường Nguyễn An Ninh, khu phố Bình Minh II, gia đình nhiều đời theo nghề chẻ tăm nhang. Với chiếc dao trên tay, những thanh niền tre lớn dần dần trở thành những cây tăm nhang nhỏ, đều thật nhanh chóng. Một thẻ tre nhỏ được chia làm 2 rồi 4 và 8 cái tăm nhang chỉ trong một thoáng... lia cây rựa đã mòn theo thời gian của người thợ. Bà Kỷ cho biết: “Tôi không biết nghề làm nhang có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ chị em tôi đã học theo má để làm kiếm thu nhập. Từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể đảm nhận được một số khâu trong quá trình sản xuất như: chẻ tăm nhang, phơi, se nhang, tẩm hương liệu... Để chẻ được những tăm nhang đều, người chẻ phải dùng ngón tay cảm nhận độ dày, mỏng và thật khéo chứ không đứt tay như chơi. Cây tăm nhang không đều cũng bị chê!”.

 Phơi tăm nhang Các hộ gia đình còn theo nghề chẻ tăm nhang chủ yếu nhận tre, nứa đã được sơ chế tại các cơ sở sản xuất nhang lớn trong phường về làm gia công. Theo bà Kỷ thì nay mẹ bà già rồi không làm được nữa. Hai chị em bà (không có ai lập gia đình) làm tăm nhang mỗi tháng kiếm trên dưới 2 triệu đồng đủ để lo tiền chợ...

Không chỉ phục vụ nhu cầu tại Bình Dương, nhang Dĩ An còn tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác, như: Đồng Nai, TP.HCM, Long An... và cả các tỉnh phía Bắc. Ngoài thị trường rộng khắp trong nước, nhang Dĩ An cũng xuất khẩu đi nước ngoài: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore... Để có thể xuất khẩu, các cơ sở nhang tại đây đưa máy móc vào sản xuất. Theo anh Nguyễn Minh Trí, cơ sở sản xuất nhang Đài Loan, tại khu phố Bình Minh II, hiện tại cơ sở sản xuất nhang của anh có hai loại nhang: xuất khẩu và nội địa. Với nhang xuất khẩu, đòi hỏi tương đối cao, tất cả phải làm bằng máy để nhang phải tròn, đều, bóng và độ dài từ 50cm - 1m. Với nhang nội địa có thể sử dụng các tăm nhang được chẻ thủ công (trẻ bằng tay), tăm nhang không nhất thiết phải tròn. Anh Trí cho biết thêm: “Hiện tại, cơ sở tôi có 20 nhân công. Khoảng 2 tháng nay, để bảo đảm tiến độ giao hàng tết, chúng tôi phải thuê thêm mười nhân công thời vụ. Cả máy móc và con người đều phải làm việc hết công suất, trung bình mỗi ngày xuất xưởng khoảng 200 - 300 thiên  nhang”. 

Hiện tại, thị trường tiêu thụ nhang chủ yếu vẫn là khách hàng nội địa, vì khách hàng không quá khắt khe về chất lượng. Trong các khâu làm nhang, trộn hương liệu và tẩm màu là khâu khó nhất, nếu hương liệu trộn không đúng tiêu chuẩn, nhang không có mùi thơm. Do đó, nhiều cơ sở làm nhang tại Dĩ An chưa làm tốt công đoạn trộn hương liệu nên chỉ xuất khẩu nhang thô, giá thành không cao.

Theo anh Đinh Quý Tú, quê Bến Tre, nhân công ở cơ sở sản xuất nhang Đài Loan thì anh yên tâm với công việc ở đây. Chủ cơ sở tạo điều kiện cho ở miễn phí, không tốn tiền trọ. Hàng tháng, anh thu nhập trên dưới 3 triệu đồng. Chị Thạch Thị Vẽ là người ở địa phương cũng gắn bó với nghề này nhiều năm. Theo chị, thu nhập trên dưới 100.000 đồng/ngày là “ổn rồi” và chỉ mong có việc làm dài dài...

Nghề làm nhang Dĩ An đã có từ lâu. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống này đang có dấu hiệu mai một bởi nguồn nguyên liệu ngày càng ít đi, công việc không ổn định nên nhiều người chuyển sang nghề khác, không duy trì được. Bên cạnh đó, nguồn hàng trên thị trường ngày càng nhiều, vừa đẹp, vừa rẻ nên mặt hàng ở đây cạnh tranh không lại. Để nhang Dĩ An phát triển thành sản phẩm hàng hóa thì cần có sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gìn giữ và phát triển nghề làm nhang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Dĩ An Nguyễn Thị Quyền, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân ở các khu phố khác trong phường làm nhang để vừa giữ nghề vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, cho nông dân vay vốn để phát triển nghề ”.

T.LÝ - Q.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên