Xuất khẩu của Bình Dương tăng trưởng khá

Cập nhật: 30-06-2017 | 08:40:40

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, góp phần tạo đà để tỉnh nhà hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế năm 2017.

 Xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh ước thực hiện trên 13 tỷ 080 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ, đạt 46,4% kế hoạch năm 2017; trong đó khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện gần 2 tỷ 258 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên 10 tỷ 822 triệu USD.

Điểm nhấn các ngành xuất khẩu chủ lực

Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, sản phẩm gỗ ước đạt 1 tỷ 919 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016. Có thể thấy, việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc đã tạo cơ hội lớn cho sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng này, trong đó có các doanh nghiệp (DN) gỗ của Bình Dương. Ghi nhận cho thấy, từ đầu năm đến nay lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN gỗ trong tỉnh tăng đáng kể so với cùng kỳ. Tuy vậy, việc giá gỗ nguyên liệu, nhất là gỗ cao su trong nước và nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ cũng gây những khó khăn cho nhiều DN trong nước. Các chuyên gia nhận định, trong dài hạn nhiều khả năng sẽ tạo ra hiện tượng khan hiếm nguyên liệu đối với ngành chế biến gỗ.

Còn với ngành dệt may của tỉnh, xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ 543 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá do lượng đơn hàng xuất khẩu khá dồi dào. Riêng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Đến thời điểm này, hầu hết các DN trong tỉnh đã có đơn hàng đến hết quý III-2017, nhiều DN lớn đã ký hợp đồng đến hết năm 2017. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc thì hàng dệt may đang có lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mang lại. Đại diện Sở Công thương cho biết dự báo đến cuối năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh có khả năng vượt mốc 3,5 tỷ USD.

Riêng mặt hàng giày dép của tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ 194 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An), cho biết từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu của công ty tốt hơn năm 2016, tăng 10% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là do năm nay công ty có nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn so với năm trước. Ông Lương dự tính từ nay đến cuối năm số lượng đơn hàng của công ty sẽ tăng 10-15% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty đầu tư thương mại cổ phần Trăn - cá sấu Ngọc Sơn, trong 6 tháng qua hoạt động xuất khẩu của các DN da giày trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Nhiều công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2017. Riêng Công ty đầu tư thương mại cổ phần Trăn - cá sấu Ngọc Sơn, từ đầu năm đến nay đơn hàng tăng 10%; xuất khẩu cá sấu tăng 15% so với cùng kỳ. Công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2017.

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, 6 tháng qua hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN trong tỉnh vẫn gặp một số khó khăn. Ông Sơn cho biết, mặc dù xuất khẩu, doanh thu của các DN trong tỉnh vẫn tăng nhưng lợi nhuận lại không tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do có sự cạnh tranh về thị trường. Cụ thể là hiện nay, tại Đông Nam Á, DN của một số nước đã chuyển thị trường từ Việt Nam sang các nước khác, vì tại những nước này có giá nhân công rẻ hơn. Bên cạnh đó, Hiệp hội Da giày Bình Dương cũng đang gặp khó khăn về giá thuê đất, về điện… Ông Sơn cho rằng Sở Công thương cần kiến nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, đổi mới, giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, có rất nhiều khoản chi tăng DN phải trả như lương, bảo hiểm, nguyên liệu, trong khi giá thành DN đã ký với khách hàng lại không tăng. Vì thế, nhiều đơn hàng DN sẽ không có lợi nhuận, nhưng nếu DN không ký đơn hàng thì công nhân lại không có việc làm.

Hiện nay, các DN đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt; ngoài sự cạnh tranh về chất lượng, các DN còn phải nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng xuất khẩu. Theo ông Lương, để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, các DN cần áp dụng, cải tiến kỹ thuật, cụ thể là áp dụng máy móc tự động, tinh gọn, công nghệ cao để thu hút nhiều đơn hàng hơn.

Theo UBND tỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2017, Bình Dương sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh cũng sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, qua đó kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên