Xúc tiến lao động - Việc làm cần thiết

Cập nhật: 07-03-2014 | 00:00:00

 Hàng năm, lực lượng lao động (LĐ) của Bình Dương bước vào độ tuổi LĐ từ 15.000 - 20.000 LĐ khá nhiều, trong khi đó trung bình mỗi năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh hơn 40.000 LĐ. Vì vậy, việc thu hút LĐ ngoài tỉnh vào làm việc tại Bình Dương là hết sức cần thiết.  

 Ký kết bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp với các trường về đào tạo nghề

 Để giải quyết nguồn LĐ cho các DN, ngay từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và các tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau để giới thiệu và cung ứng LĐ cho DN ở Bình Dương. Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã có nhiều tỉnh ký kết hợp đồng cung ứng LĐ với Bình Dương và đã có hàng trăm ngàn LĐ ngoài tỉnh được tuyển vào làm việc tại các DN, trong đó có nhiều LĐ ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc bằng con đường liên kết.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, tuy kết quả thực hiện bước đầu còn khiêm tốn so với nhu cầu rất lớn của các DN, nhưng đây là kênh rất quan trọng cho việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng LĐ của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới. “Kể từ khi có kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh để cung ứng LĐ cho Bình Dương, DN rất yên tâm khi tuyển dụng LĐ có chất lượng, ổn định về số lượng; còn NLĐ cũng như gia đình không lo ngại về “cò LĐ”. Khi đến Bình Dương làm việc, LĐ được lo các khoản kinh phí, được bố trí việc làm phù hợp và ổn định. Nhờ đó, trong thời gian qua, đã có không ít LĐ đến Bình Dương làm việc thông qua mô hình liên kết rồi họ tự giới thiệu người thân cùng vào làm việc ở Bình Dương”, một giám đốc nhân sự cho biết.

Qua thời gian thực hiện chủ trương về liên kết LĐ đã phần nào đáp ứng nguồn LĐ cho các DN của tỉnh, góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ. Cũng thông qua chương trình này, hầu hết DN Bình Dương đã thực hiện tốt các chế độ để thu hút NLĐ như hỗ trợ tiền ăn trưa, xe đưa rước miễn phí hoặc phụ cấp đi lại, nhà ở hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà, chế độ tham quan, nghỉ mát, chi tiền hỗ trợ nâng cấp trình độ, hiếu hỷ, thưởng chuyên cần…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng một số LĐ được đưa về Bình Dương làm việc một vài tuần ở DN chán nản bỏ việc. “Trong quá trình thực hiện mô hình liên kết LĐ vẫn còn một số tồn tại, hiện nay giá cả luôn tăng lên, mức hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ không theo kịp, ở một số nơi môi trường và an ninh ở các khu nhà trọ chưa bảo đảm nên một số LĐ đã chuyển đi nơi khác làm việc, DN mất người phải đi tuyển LĐ”, Chủ tịch công đoàn một công ty cho biết.

Ước nguyện của LĐ xa quê là có công ăn việc làm và thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống nên khi mới vào làm việc nhiều LĐ chán nản bỏ việc. Hơn nữa, LĐ phổ thông đi làm việc xa quê thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, do vậy LĐ luôn cần DN có những hỗ trợ giúp LĐ vừa được học việc, vừa có mức lương thỏa đáng để xoay sở cho cuộc sống.

 Năm 2013, thực hiện liên kết cung ứng LĐ giữa Bình Dương với các tỉnh, kết quả đã đưa được 2.841 LĐ về Bình Dương làm việc, tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Phú Yên, Trà Vinh, Bạc Liêu. Tỷ lệ liên kết LĐ đã vượt chỉ tiêu đăng ký đầu năm 2013 là 1.341 người, đạt 189,4% so với chỉ tiêu.

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên