Xung quanh phản ánh của ông Nguyễn Văn Trớt (P.Tân Bình, Tx.Dĩ An): Lực lượng chức năng chỉ đến hiện trường để giữ an ninh trật tự

Cập nhật: 04-03-2016 | 06:56:36

Đó là trả lời của ông Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND P.Tân Bình, TX.Dĩ An liên quan đến nội dung đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Trớt cùng ngụ tại P.Tân Bình.   

Theo đơn trình bày được ông Trớt gửi đến Báo Bình Dương và qua xác minh thì được biết đầu năm 2003 giữa ông Trớt và ông Nguyễn Văn A (ngụ P.Tân Bình) có xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất tại khu đất có diện tích 7.833m2 ở ấp Tân Phước, xã Tân Bình, huyện Dĩ An nay là KP.Tân Phước, P.Tân Bình, TX.Dĩ An.

Một cây tràm đã bị phía ông Huệ cưa ngã

Giữa năm 2004, vụ việc tranh chấp đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong. Cơ quan chức năng của TX.Dĩ An cũng đã tiến hành cưỡng chế để giao 3.918m2 đất cho ông Nguyễn Văn Huệ là con và là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn A. Ông Huệ đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Phần diện tích còn lại là 3.915m2 được giao cho ông Trớt.

Tuy nhiên, trước đây khi ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền chỉ giải quyết tranh chấp về QSDĐ mà không để ý đến việc giải quyết tài sản trên đất. Theo ông Trớt, trước khi xảy ra tranh chấp đất với ông A, ông đã trồng khoảng 4.000 cây tràm trên khu đất này. Trong các quyết định giải quyết tranh chấp đều thừa nhận cây tràm trên đất là do ông trồng. Điều đó cho thấy, số cây tràm hiện tại trên đất của ông Huệ là của ông, vậy tại sao mới đây các lực lượng chức năng của P.Tân Bình đã đến khu đất còn tranh chấp để giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) để ông Huệ cắt hạ và di dời cây tràm là tài sản của ông?

Ông Trớt cho biết thêm, trước đây vì không thỏa thuận được số cây tràm và số tiền đền bù nên ông Huệ đã làm đơn khiếu nại gửi đến UBND P.Tân Bình. UBND P.Tân Bình cũng đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Hiện tại, vẫn chưa có một quyết định nào về việc giải quyết tranh chấp tài sản trên đất giữa ông và ông Huệ. Vậy UBND P.Tân Bình huy động lực lượng giống như đến cưỡng chế để di dời tài sản của ông ra khỏi đất của ông Huệ có đúng quy định của pháp luật hay không? Ông Trớt đặt câu hỏi.

Trả lời P.V Báo Bình Dương liên quan đến nội dung khiếu nại của ông Trớt, ông Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND P.Tân Bình, cho biết trên cơ sở đơn của Văn phòng Thừa phát lại Dĩ An đề nghị địa phương hỗ trợ lực lượng để Văn phòng Thừa phát lại tiến hành lập vi bằng ghi nhận hành vi, sự kiện di dời tài sản trên đất (theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Huệ), ngày 3-12-2015, UBND phường đã cử lực lượng đến hiện trường để giữ gìn ANTT. Tuy nhiên, tại hiện trường nhận thấy việc ông Huệ thuê xe chuyên dụng để di dời tài sản (cây tràm) trên đất là chưa đúng quy định pháp luật nên lực lượng đã ngăn chặn không cho di dời nữa. Việc ông Trớt cho rằng các lực lượng chức năng của phường đã bảo vệ để giúp ông Huệ di dời tài sản trên đất là không đúng tính chất sự việc.

Ông Yêm cho biết thêm, giữa ông Trớt và ông Huệ có mối quan hệ rất gần gũi. Việc tranh chấp kéo dài không chỉ làm thiệt hại kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình thân của hai gia đình. Mong rằng, giữa ông Trớt và ông Huệ ngồi lại để cùng nhau giải quyết dứt điểm vụ việc.

Luật sư Trần Như Lực, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Một quan hệ dân sự khác

Qua vụ việc cho thấy, trước đây khi giải quyết vụ tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền chỉ giải quyết tranh chấp về QSDĐ mà “quên mất” tài sản trên đất. Có thể lúc này vì cây tràm còn quá nhỏ và không bên nào có ý kiến gì nên không ai để ý. Vụ việc tranh chấp QSDĐ có thể được coi là đã giải quyết xong vì cơ quan chức năng cũng đã cưỡng chế thi hành án, ông Huệ cũng đã được cấp GCN QSDĐ. Tuy nhiên, hiện tại lại phát sinh tranh chấp về tài sản trên đất. Theo quan điểm của tôi đây là một quan hệ dân sự mới. Do đó, nếu không thỏa thuận được về số tiền bồi thường thì một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa để được giải quyết.

Văn phòng Thừa phát lại có quyền làm đơn đề nghị chính quyền địa phương cử lực lượng để hỗ trợ họ lập vi bằng theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, địa phương cũng phải cần xem xét hành vi để được lập vi bằng có đúng quy định pháp luật hay không, chứ không khéo dễ bị hiểu nhầm là tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

 

NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên