Xung quanh vụ khiếu nại của bà Trần Ngọc Liệp, xã Thới Hòa (Bến Cát) : Ngành chức năng can thiệp có đúng luật?

Cập nhật: 18-12-2009 | 00:00:00

Từ khi bà Trần Ngọc Liệp và ông Hồ Văn Hòa nảy sinh tranh chấp lô đất có diện tích hơn 6.000m2, tọa lạc tại ấp 4, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát thì UBND huyện Bến Cát đã có công văn chỉ rõ: “Thẩm quyền giải quyết vụ án này thuộc Tòa án Nhân dân...”. Thế nhưng, sau khi hai cấp tòa đã giải quyết xong vụ án thì UBND huyện lại tiếp tục thụ lý vụ việc! Sự can thiệp này cho thấy: ngành chức năng đã vận dụng luật chồng chéo, sai thẩm quyền và phạm vào khoản 6, điều 32 Luật Khiếu nại - Tố cáo.

Quyền sử dụng đất của ai?

Theo hồ sơ tại tòa án: Trước năm 1975, cha của bà Liệp là cụ Trần Văn Nhượng có lô đất khoảng 6.500m2 tại địa chỉ trên. Nguồn gốc đất này được Tỉnh trưởng Bình Dương cấp ngày 3-6-1955, thuộc tờ trích lục địa bộ 343. Ngày 10-2-1978, cụ Nhượng lập giấy phân chia đất cho các con sử dụng, trong đó có bà Liệp. Năm 1981, cụ Nhượng qua đời nên mặc nhiên phần đất của cụ được chị em bà Liệp quản lý và sau này chỉ còn bà Liệp trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, trước đó gia đình bà Hồ Thị Bé (mẹ của ông Hòa) có mượn của cụ Nhượng lô đất hơn 6.000m2 để canh tác và mỗi năm đong cho gia đình bà Liệp từ 2 - 3 giạ lúa. Sau khi cụ Nhượng mất, bà Liệp đã nhiều lần yêu cầu bà Bé trả lại đất nhưng bà Bé xin cho tiếp tục sản xuất thêm vài vụ. Thấy hoàn cảnh bà Bé khó khăn nên bà Liệp đồng ý cho mượn đất tiếp tục canh tác và hàng năm bà Bé phải đong lúa. Song, để cho việc mượn đất được khách quan, rõ ràng nên vào năm 1998 bà Liệp trao đổi với bà Bé việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ); sau đó chính bà Bé cùng đi với bà Liệp đến kê khai đăng ký. Và ngày 17-11-1999, huyện Bến Cát đã cấp GCN QSDĐ số 01167 cho bà Liệp. Sau khi được cấp sổ đỏ, bà Liệp tiếp tục quản lý đất và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, đồng thời vẫn cho bà Bé mượn đất canh tác hết vụ. Thực tế cho thấy bà Liệp kể từ khi được cha phân chia quản lý sử dụng đất đã liên tục trông nom, chăm sóc và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước về đất đai của mình. Tuy nhiên, sự cố bất ngờ đã xảy ra - vào năm 2002, bà Bé đột ngột qua đời nên sau đó, ông Hòa (con của bà Bé) đã “không đồng ý trả đất” cho bà Liệp và có hành vi cất nhà trên đất. Ông Hòa cho rằng: đất là của Nhà nước, được mẹ ông sử dụng chứ không phải của bà Liệp! Vì vậy cả hai bên đương sự cùng nhau hầu tòa!

Ngày 6-4-2007, TAND huyện Bến Cát mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án. Tại phiên tòa, ông Hòa đã không thể chứng minh được quyền sử dụng đất của mình; tòa cũng đã trưng cầu chứng lý từ cơ quan quản lý đất đai và các nhân chứng. Kết quả, bà Liệp thắng kiện; tòa công nhận bà Liệp được quyền tiếp tục sử dụng đất theo sổ đỏ đã cấp. Ông Hòa không đồng ý với kết quả đó nên có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 18-1-2008, nhận thấy không đủ chứng lý để tiếp tục khởi kiện nên ông Hòa đã tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Do đó, TAND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 31, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Như vậy, quyết định trên của TAND tỉnh Bình Dương đã có hiệu lực và theo quy định tại điều 375 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì phải được thi hành. Cụ thể, sau khi quyết định phúc thẩm đã được ban hành thì quyền tranh chấp của ông Hòa đối với bà Liệp cũng chấm dứt. Khi mà quyền lợi của ông Hòa không còn thì quyền lợi hợp pháp của bà Liệp phải được thừa nhận. Nói cách khác là, đất của bà Liệp không còn tranh chấp nên bà được toàn quyền sử dụng. Thế nhưng...!

Chính quyền can thiệp!

Sau khi quyết định đình chỉ vụ án của tòa phúc thẩm đã có hiệu lực, lẽ ra vụ việc này phải được kết thúc từ đây. Thế nhưng, ngày 22-10-2009, UBND huyện Bến Cát lại ban hành Quyết định số 4164 về việc: thu hồi sổ đỏ đã cấp vào năm 1999 cho bà Liệp; vì đã cấp sai đối tượng! Việc ban hành quyết định trên cho thấy: chính quyền giải quyết khiếu nại một cách chồng chéo và sai thẩm quyền. Chồng chéo vì: vào năm 1999, ngành chức năng sau khi xác minh đã tiến hành cấp sổ đỏ hợp pháp cho bà Liệp; tiếp theo, vào năm 2005 khi đương sự xảy ra tranh chấp thì UBND huyện Bến Cát có Công văn số 1159 chỉ rõ “thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án...”; Vậy mà sau khi tòa giải quyết đã có kết quả thì chính quyền huyện lại can thiệp - thu hồi sổ đỏ của bà Liệp. Hóa ra, toàn bộ vụ việc này đều do UBND huyện giải quyết nhưng cách giải quyết không thống nhất, lúc thế này, lúc thế khác mà bất chấp đến kết quả xét xử của tòa. Sai thẩm quyền vì: tại khoản 6, điều 32 Luật Khiếu nại - Tố cáo ghi rõ: “Việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của tòa án thì các cấp chính quyền không được thụ lý giải quyết”. Điều đáng nói hơn, tại Công văn số 532 ngày 6-8-2008 gửi cho TAND tỉnh Bình Dương, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bến Cát đã khẳng định: “...hồ sơ cấp GCN QSDĐ của bà Liệp là đúng trình tự, thủ tục...”. Vậy mà, nay chính quyền ra quyết định thu hồi sổ đỏ của bà Liệp và lại cho rằng cấp sai đối tượng?!

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, ông Huỳnh Công Du, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bến Cát cho biết: “Tôi được biết vụ án này đã được tòa án hai cấp giải quyết xong. Nay, việc UBND huyện ra quyết định thu hồi sổ đỏ của bà Liệp có thể do đất của bà Liệp nằm trong quy hoạch nên phải thu hồi. Hiện đơn khiếu nại của bà Liệp vẫn đang được chính quyền thụ lý. Chúng tôi sẽ trả lời với báo chí sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại”.

Được biết, hiện nay bà Liệp đã có đơn khiếu nại quyết định hành chính của UBND huyện Bến Cát và Chủ tịch UBND huyện đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra sự việc để báo cáo UBND huyện xử lý. Bản thân bà Liệp cũng bày tỏ ý sẵn sàng chấp hành chủ trương quy hoạch đất để làm Khu đô thị Thới Hòa.

Rất mong lần xử lý này được giải quyết công bằng, đúng pháp luật. Bởi lẽ vụ việc này về mặt pháp lý đã khá rõ ràng nhưng lại để kéo dài nhiều năm, trong đó có phần trách nhiệm của những người thừa hành pháp luật - đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho xảy ra tình trạng tồn đọng tranh chấp khiếu nại trong nhân dân.

Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng : Chính quyền không có thẩm quyền giải quyết

Rõ ràng đây là một vụ án đã được hai cấp tòa giải quyết xong. Quyết định của tòa phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành. Nếu đương sự cho rằng tòa đình chỉ vụ án là sai luật thì có quyền gửi hồ sơ cho TAND tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; các cấp chính quyền hoàn toàn không có thẩm quyền giải quyết. Việc chính quyền huyện Bến Cát can thiệp vào vụ án mà trước đó chính họ đã giao cho tòa án xét xử là trái luật. Chính động thái này đã vô tình làm tăng thêm khiếu nại trong nhân dân. Thiết nghĩ, chính quyền nên xem xét lại việc làm của mình đã thực sự công tâm chưa? Giả sử, nếu như chính quyền cho rằng tòa xử chưa đúng thì nên có công văn đề nghị tòa xem xét chứ không thể trực tiếp can thiệp, làm như vậy là sai luật!

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên