Ý nghĩa từ một cuốn sách 

Cập nhật: 20-02-2017 | 11:49:36

Sau 1 năm biên soạn, với những nỗ lực cố gắng, cuốn sách “Tìm hiểu liễn đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu tại Bình Dương” đã hoàn thành. Cuốn sách là công trình văn hóa giúp mọi người dễ dàng đọc, hiểu ý nghĩa các câu liễn, đối tại các cơ sở thờ tự. Từ đó, hiểu ý nghĩa mà cha ông muốn nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau.

Dễ dàng để hiểu liễn, đối

Nói về quá trình biên soạn sách, ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, chủ biên cuốn sách cho biết, Bình Dương hiện có gần 300 đình, miếu lớn nhỏ. Liễn đối ở các đình, miếu ấy là những dòng ghi chép tâm tư, tình cảm, những giá trị tinh thần, tư tưởng mọi mặt trong sinh hoạt cộng đồng của người dân Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa. Ý nghĩa thâm thúy từ những câu liễn, đối của cha ông để lại rất hay, mang tính giáo dục cao. Thế nhưng, hiện nay rất ít người Việt biết đọc và hiểu được chữ Hán - Nôm. Điều đó đồng nghĩa với việc đến các đình, chùa, miếu họ không thể đọc và hiểu được nội dung các hoành phi, liễn đối và do đó không hiểu được thông điệp tư tưởng, văn hóa người xưa muốn truyền lại. Trong khi đó các chuyên khảo, công trình đề cập, sưu tầm, nghiên cứu về liễn đối Hán - Nôm ở Bình Dương còn rất hạn chế. Đó là những lý do để cuốn sách “Tìm hiểu liễn đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương” ra đời. 

Cuốn sách được biên soạn rất ý nghĩa cho thế hệ mai sau trong tỉnh và cả nước. Cuốn sách sẽ góp phần bổ sung cho các công trình văn hóa của tỉnh làm cho văn hóa Bình Dương thêm phong phú, phù hợp với quá trình hội nhập. Do đó, thế hệ trẻ nên tìm đọc, nghiên cứu để tự hào hơn khi mình là người con của đất Bình Dương, của đất nước Việt Nam”. (Ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Để hoàn thành cuốn sách, Ban biên soạn (BBS) đã trực tiếp tới 99 cơ sở thờ tự (trong đó 36 chùa của người Việt, 39 ngôi đình, 15 chùa của người Hoa và 9 cơ sở thờ Mẫu); trực tiếp gặp Ban quý tế, Ban trị sự, Hội tương tế, các cụ cao niên, những người am hiểu chữ Hán - Nôm, những vị cao tăng để có thể hiểu, dịch từng hoành phi, câu đối một cách chính xác nhất. Sau hơn 1 năm tìm hiểu, biên soạn, cuốn sách ra đời trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của những con người ngày đêm tìm tòi nghiên cứu. Cuốn sách có độ dày trên 1.000 trang với 5 phần chính: Khái quát về hoành phi, liễn đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương; Hoành phi, liễn đối Hán - Nôm trong các đình ở Bình Dương; Hoành phi, liễn đối Hán - Nôm trong các chùa của người Việt ở Bình Dương; Hoành phi, liễn đối Hán - Nôm trong các chùa của người Hoa ở Bình Dương; Hoành phi, liễn đối Hán - Nôm trong các đền thờ Mẫu ở Bình Dương.

Họp báo giới thiệu sách

Thạc sĩ Nguyễn Văn Ngoạn, thành viên BBS tâm sự, trong suốt thời gian thực hiện cuốn sách, BBS cũng gặp nhiều khó khăn. Để tìm ra, khôi phục được một chữ bị mờ hay mất hết nét trong một câu đối, các thành viên của BBS có khi phải mất hàng tuần, hàng tháng. Để có những câu dịch vừa có ý nghĩa, vừa đúng với từ ngữ nguyên bản, vừa biểu đạt thanh thoát tư tưởng của tác giả câu đối, BBS đã kiên trì tìm tòi, sáng tạo. Vất vả nhưng niềm vui có được cũng rất lớn, đó là hạnh phúc được tiếp cận với những tư tưởng sâu sắc mà không cứng nhắc của người xưa, hoặc được chiêm nghiệm nghệ thuật sử dụng từ ngữ, thanh âm, vần điệu trong những câu đối hay.

Liễn, đối đậm chất địa phương

Liễn, đối tại các đình, chùa, miếu không còn xa lạ với mọi người, bởi hầu hết nơi đâu cũng có và ý nghĩa gần giống nhau. Tuy nhiên, đối với Bình Dương, tại các đình, chùa, miếu các câu liễn, đối lại có nét riêng đậm chất địa phương. “Đặc trưng văn hóa là giao lưu lẫn nhau nên các câu đối, liễn tại đình, chùa các tỉnh, thành cũng giống. Tuy nhiên, khi sử dụng câu liễn, đối tại các cơ sở thờ tự, Ban quý tế, Ban trị sự đã sửa lại để người đọc đã có thể hiểu thêm về năm xây dựng, đặc điểm ngôi chùa đó. Ngoài ra, người đọc còn hiểu về con người Bình Dương xưa cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu…”, ông Huỳnh Ngọc Đáng cho biết. Cụ thể, Bình Dương có nhiều ngôi miếu thờ Mẫu nên những câu đối, liễn ở đây du nhập từ phía Bắc nhưng vẫn có nét riêng khi các chữ viết, ngữ nghĩa được giản thể để phù hợp với vùng đất Thủ ngày xưa. Bình Dương còn có nhiều ngôi chùa của người Hoa, chữ Hán ở những nơi này được sử dụng khá phong phú khác với các địa phương khác. Một số ngôi chùa trong tỉnh được xây dựng hàng trăm năm có nhiều câu liễn, đối được lấy từ nơi khác nhưng cũng có những câu đối tự nghĩ ra. Điển hình, chùa núi Châu Thới có 80 hoành phi, câu đối, bên cạnh những câu được lấy từ các chùa khác thì chùa cũng có những câu riêng như: “Châu Thới sơn tự huệ tồn, Kỷ Tỵ niên lục nguyệt thập cửu nhật” (dịch nghĩa chùa núi Châu Thới, Ngày 19 tháng Sáu năm Kỷ Tỵ), “Ngũ ảnh vân tường” (Mây lành ngũ sắc) thể hiện chùa trên núi với mây xung quanh, “Châu sơn hoàn án ngoại nghiêm trang chỉnh đốn cựu phong cương, Thới thủy nhiễu đình tiền điêu trác du quy tân tự quán” (dịch Núi Châu bao ngoài án, nghiêm trang chỉnh đốn vùng biên cương cũ, Nước Thới vòng sân trước, uốn lượn quanh co chùa mới quay về)… hai câu ghép lại ra tên chùa.

Với những cái hay mà cha ông đã truyền lại qua các câu liễn, đối để thế hệ mai sau đọc được, hiểu được, BBS sẽ cung cấp sách đến các Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh, huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, BBS sẽ cung cấp cho Ban trị sự, Ban quý tế các chùa, miếu trong tỉnh và địa phương có chùa, miếu, đình. Như vậy khi có nhu cầu tìm hiểu, du khách, người dân có thể lật xem nội dung để học hỏi những điều cha ông đã truyền dạy, nhất là thế hệ trẻ sẽ tìm về cội nguồn.

THIÊN LÝ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên