65 năm nặng tình với Đảng

Cập nhật: 28-08-2013 | 00:00:00

 Giản dị với đời thường

65 năm tuổi Đảng, đồng nghĩa với việc họ đã nếm trải đủ những ngày tháng gian nguy của đất nước qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm, chấp nhận hy sinh mất mát để đổi lấy cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc của ngày hôm nay. Để tìm hiểu thêm về cuộc đời của một nhân chứng lịch sử, chúng tôi đã tìm về nhà ông Nguyễn Thế Phương.  

Thú vui hàng ngày của ông Phương

Ông Phương có một cơ ngơi tươm tất, nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường 30-4 thuộc phường Phú Hòa (TP.TDM). Trong lần gặp đầu tiên ông đã đem đến cho chúng tôi nhiều bất ngờ. Ở tuổi ngoài 80, chính xác là đã 82 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ như in tiểu sử, hoàn cảnh gia quyến những người bạn của ông. Ông còn khoe có thể lái xe hơi đi vòng quanh TP.TDM để thăm bạn bè, đồng đội. Dẫu vậy, với mái tóc đã bạc trắng mới biết ông đã trải qua cuộc đời biết bao khắc nghiệt.

Phòng khách gia đình không mấy rộng rãi, chỉ có cái ti vi khá cũ, một bộ bàn ghế đủ đón 4, 5 vị khách. Nhưng trên bức tường nhà ông là những tấm bằng khen, huân chương chiến công như: Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệt (người anh ruột thứ ba của ông), Huân chương Kháng chiến hạng nhì Nhà nước tặng cho ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khoảng gần 30 huân, huy chương, huy hiệu các loại được ông cẩn trọng để trong một khung kính và đặt bên cạnh chiếc ghế bành nơi hàng ngày ông ngồi xem ti vi. Chủ nhà tâm tình, mỗi chiếc huân, huy chương, huy hiệu là một kỷ vật in dấu ấn những gian khổ, vinh quang của cuộc đời và bóng dáng của những đồng đội, đồng chí kề vai lúc gian nguy. Bởi thế, ngay khi về hưu năm 1996 ông tiếp tục với công việc là thành viên Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh để có dịp gần gũi, thăm nom đồng đội, đồng chí khi họ cùng ở tuổi xế chiều.

Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, ông được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Nhắc đến chuyện trở thành đảng viên cộng sản ông lại trở về kỷ niệm xa xưa. “Khi tôi lên 13 tuổi cũng là thời điểm Tây đóng bót. Hàng ngày nhìn thấy cảnh bà con mình bị bắt, bị bắn, bị giết hết sức dã man ai ai không đau lòng xót dạ. Nghe nói làm cách mạng có thể trả thù cho đồng bào, 13 tuổi tôi quyết định sang Củ Chi đi bưng biền. Tổ chức giao việc gì tôi cũng hoàn thành, 4 năm sau tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Buổi lễ kết nạp diễn ra trong cảnh hết sức đáng nhớ, tại một con rạch thuộc vùng đất Củ Chi (TP. HCM) ngày nay. Trong nghi thức kết nạp Đảng lúc tôi đang đọc 6 lời tuyên thệ, mới đến lời thứ 3 thì tiếng mỏ liên hồi báo hiệu Tây càn về, thế là đồng chí, đồng đội cuốn cờ Đảng lặn xuống biền. Đến khi tình hình ổn định, công việc kết nạp mới được tiếp tục. Trở thành đảng viên lúc ấy thiêng liêng lắm, hạnh phúc vô bờ bến. Cả ngày hôm đó hầu như tôi không thể ngủ được, mong ước làm điều gì đó cho Đảng, cho dân”, ông Phương xúc động nói.

Vượt qua mất mát

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha bị bắt, tù đày, cả nhà theo cách mạng, sớm hun đúc trong ông một niềm tin mãnh liệt vào Đảng. Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, trái tim anh thanh niên Nguyễn Thế Phương đã dành hết cho quê hương. Cứ mỗi đêm về, vừa chợp mắt hình ảnh những người dân bị hành hạ, bị bắn giết lại hiện về. “Bởi vậy, trở thành người chiến sĩ cộng sản rồi đâu ai màng đến sống hay chết, đấu tranh đến cùng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân làng là mục tiêu, là lý tưởng”, ông nói.

5 đồng chí được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cùng ông dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 năm nay là những nhân chứng sống động nhất những thời khắc lịch sử của trường kỳ kháng chiến. “Làm sao kể hết được, chỉ có thể kết lại: Không có Đảng dẫn đường chỉ lối, không có những đồng chí, đồng đội chấp nhập hy sinh, mất mát, chúng ta không có được ngày hôm nay. Tôi chỉ là người may mắn còn sống”, ông Phương quả quyết.

Trong chiến tranh, ngoài thời gian cầm súng ông còn chăm chỉ học hành. Sau khi đánh thực dân Pháp thắng lợi, cả nước phải đương đầu với chiến tranh chống Mỹ, năm 1954 ông được đưa ra Hà Nội tập kết. Vừa làm nhiệm vụ, vừa cố gắng học tập, ông được cấp bằng kỹ sư ngành GTVT ít năm sau. Với bằng chuyên môn này ông được giao làm nhiệm vụ điều phối lương thực, đạn dược, mở đường tiếp tế, chi viện cho chiến trường miền Nam tại Vùng 4 - Quảng Bình, Hà Tĩnh ngày nay. Hàng ngày quen dầm mưa bom bão đạn, bảo đảm an toàn thông suốt cho đoàn xe chi viện, ông đã chứng kiến biết bao hy sinh, mất mát, bao đồng chí, đồng đội ngã xuống. Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ trong lúc đang làm nhiệm vụ, một người bạn tên Thụ đang song hành thì một quả bom rơi xuống bên cạnh. Tỉnh dậy tôi thấy mình còn sống, còn anh Thụ vĩnh viễn ra đi mà cơ thể không còn nguyên vẹn”.

Sau ngày giải phóng, với bằng cấp kỹ sư GTVT, Đảng và Nhà nước tiếp tục giao cho ông giữ chức vụ Trưởng ty GTVT, rồi Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sông Bé, đến năm 1996 ông nghỉ hưu. Thời gian giữ chức Giám đốc GTVT trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đường sá rất lớn, ông cùng Ban lãnh đạo sở huy động sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch như đường ĐT744, ĐT741, cầu Thủ Ngữ, cầu Phước Hòa… Với những đóng góp lớn trong bảo vệ và xây dựng đất nước, năm 2012 ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Một ngày tiếp chuyện cùng ông tôi vô tình đánh thức cả những kỷ niệm vui buồn, cũng như những mất mát của những ngày cơ cực ông từng trải qua. Nhưng bằng sức mạnh của người cộng sản, ông đã hóa nó thành sự sống và mãi tỏa hương thơm cho cuộc đời, cho quê hương của mình.

 HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên