8 năm qua, hành trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Bình Dương đã đạt kết quả tốt. Để hình thành và phát triển công nghiệp như hiện nay, Bình Dương đã thực hiện tốt chủ trương ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trước làn sóng hội nhập toàn cầu, ngành công nghiệp của Bình Dương cũng cần sự định hướng rõ ràng hơn nữa trong những năm tới.
Sản xuất chế biến gỗ tại Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát) Ảnh: XUÂN THI
Xuất khẩu tăng mạnh
Theo thông lệ, mỗi cuối tuần chị Nhân Thị Thoa ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát thường lên TP.Thủ Dầu Một để mua sắm tại Siêu thị Metro. Chị Thoa cho biết, hàng hóa tại siêu thị hiện nay rất đa dạng và phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó có rất nhiều sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao. “Nếu khoảng 10 năm trước, muốn mua các mặt hàng này tôi phải bắt xe xuống tận TP.Hồ Chí Minh để mua sắm. Nhưng giờ đây, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã hiện diện khắp trên địa bàn tỉnh, hàng hóa lại phong phú nên có nhiều lựa chọn hơn, tôi không phải đi xa nữa”, chị Thoa chia sẻ.
Sự hiện diện của hàng chục doanh nghiệp (DN) lớn trong nước, tập đoàn kinh tế đa quốc gia đã làm cho thị trường bán lẻ tại Bình Dương trở nên sôi động với các thương hiệu như Metro, Aeon, LotteMart, Co.opMart, Vinatex, Citimax… đã tạo ra số lượng hàng hóa khổng lồ phục vụ nhu cầu mua sắm tại địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2014, doanh số bán lẻ và dịch vụ của Bình Dương đạt 103.492 tỷ đồng, gấp 8 lần trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (6-11-2006); tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại - dịch vụ đạt con số ấn tượng trên 20% mỗi năm. Nhiều DN nội có mặt khắp các khu công nghiệp tại Bình Dương đã sản xuất và phân phối hàng hóa sang các tỉnh, thành phía Nam và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Thuận An) nhớ lại, trước năm 1995, nghề gốm sứ gia đình còn hoạt động manh mún, chưa mang dáng dấp của kinh tế thị trường. Cột mốc năm 1995 khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ đã làm thay đổi tất cả. Năm 1995, gốm sứ Phước Dũ Long lần đầu tiên có mặt trên thị trường thế giới, cho dù các DN nước ngoài mua lại rồi xuất sang nước thứ 3 nhưng đã đem lại tín hiệu lạc quan. Năm 1998, công ty mới chủ động tìm được đối tác xuất khẩu sản phẩm qua thị trường Mỹ và châu Âu mà không qua đối tác trung gian. Ông Tín cho biết, lúc đó những lô hàng xuất ngoại chỉ có giá trị khoảng 50.000 đô la Mỹ nhưng mang lại hy vọng to lớn cho một thị trường rộng mở sau này.
8 năm sau ngày Việt Nam gia nhập WTO, ngành gốm sứ của Bình Dương đã tham gia xuất khẩu qua hàng chục nước trên thế giới, góp phần đáng kể vào con số 1,6 tỷ đô la Mỹ (năm 2014) xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ cả nước.
Đánh giá về DN trong nước tại Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, đa số DN hiện chủ yếu nhận làm gia công và Bình Dương đang trên đường trở thành “công trường gia công” cho các nước phát triển. Điều này chỉ giải được bài toán việc làm, trong khi giá trị gia tăng ngành công nghiệp còn thấp, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm xuất khẩu còn chưa cao. Bình Dương vừa hoàn thành khu công nghiệp phụ trợ tại huyện Bàu Bàng (diện tích 300 ha) là bước đi có tính toán đón đầu xu thế chung của thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước nhằm từng bước định hướng phát triển công nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, tiên tiến, trình độ khoa học - kỹ thuật cao. |
Ông Vương Siêu Tín cho rằng, tiềm năng ngành gốm sứ tại Bình Dương còn to lớn, bởi những tên tuổi như Minh Long, Minh Phát, Phước Dũ Long… đã trở thành bạn hàng quen thuộc của khách hàng quốc tế. Riêng trong năm 2014, công ty của ông đạt doanh thu 3 triệu đô la Mỹ, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út…
Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ
Hiện Bình Dương có gần 20.000 DN, trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuy chỉ có gần 2.500 DN nhưng lại chiếm đến 80% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Điều này đang tạo ra sức ép rất lớn cho các DN nội trong xu thế hội nhập.
Bình Dương cũng có đến 6 hiệp hội ngành nghề là dệt may, chế biến gỗ, sơn mài - điêu khắc, gốm sứ, cơ điện và giày da với 375 hội viên. Đây chính là những nhóm hàng thế mạnh của tỉnh tham gia vào thị trường xuất khẩu, tuy nhiên so với tiềm năng tài chính, khoa học - công nghệ… của các DN FDI thì thế mạnh này vẫn chưa cân xứng.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, cái yếu chung của DN trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng là đa số DN thuộc dạng vừa và nhỏ (chiếm đến 97%). Sân chơi thế giới ngày càng rộng mở với các hiệp định song phương, đa phương và gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) được ký kết sẽ trở thành thách thức thực sự cho các DN trong nước. Bài toán mở toang cánh cửa cho DN FDI “đổ bộ” vào Việt Nam hay tiếp tục dựng “hàng rào” để bảo vệ DN trong nước là bài toán khó khăn của Chính phủ. Việc hỗ trợ các DN nội có những sản phẩm chất lượng mang tầm quốc gia, khu vực là việc làm rất cần thiết của Chính phủ khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ông Giàu cho biết thêm, các DN FDI thường được hỗ trợ tích cực từ Chính phủ trong việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi suất nhiều khi bằng 0% hoặc không đáng kể nên tiềm lực vốn rất mạnh. Cùng một sản phẩm, chất lượng tương đồng nhưng sản phẩm của DN FDI sẽ bán giá thấp hơn so với DN nội, điều này sẽ làm mất cân đối “cạnh tranh công bằng” giữa DN trong nước và ngoài nước.
Ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính thì cho rằng, tỉnh Bình Dương đang hướng tới một nền công nghiệp xanh thì cũng nên chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, vì đây chính là cái mà nhiều nước đang cần. Công nghiệp hỗ trợ đang là ngành có tiềm năng rất lớn, trị giá hàng ngàn tỷ đô la Mỹ trên bình diện toàn cầu. Các ngành sản xuất như ô tô, điện tử, may mặc, giày dép, gỗ, thực phẩm… đều cần sự tiếp sức từ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tận dụng tốt hơn lợi thế từ WTO
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, WTO là một “cú hích” mạnh đến quá trình thu hút và sử dụng dòng vốn FDI tại Việt Nam. Gia nhập WTO cũng khiến cho thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được mở rộng, DN FDI và DN trong nước dễ dàng hơn trong việc thâm nhập thị trường, do đó xuất khẩu của khu vực DN FDI tăng nhanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực cũng còn nhiều vấn đề đặt ra do việc thực hiện và áp dụng các cam kết đầu tư trong các ngành dịch vụ khi Việt Nam gia nhập WTO đã phát sinh những vướng mắc, gây khó khăn, lúng túng cho DN và cơ quan quản lý trong quá trình thẩm tra, cấp phép đầu tư.
Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ WTO trong thu hút, sử dụng và quản lý dòng vốn FDI, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách thu hút và sử dụng FDI phù hợp có tính đến các điều kiện trong nước và thế giới…
K.T
PHÙNG HIẾU