Mặc dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho con dưới 6 tuổi và được hoàn toàn miễn phí khi đến bệnh viện công điều trị nhưng xem ra, nhiều phụ huynh (PH) không mặn mà lắm.
Theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn hoàn toàn chi phí khi đến các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Nhưng do nhiều trẻ chưa có thẻ BHYT, ba mẹ không chủ động được trong việc đi khám bệnh tại nơi đăng ký ban đầu nên vẫn phải nộp thêm tiền. Thậm chí nhiều ba mẹ không có đầy đủ thông tin về BHYT cũng như quyền lợi của con mình khi đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.Bình Dương là đơn vị làm tốt việc lên danh sách, cấp phát thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Với những trường hợp chưa có thẻ BHYT (hoặc quên không mang theo) khi khám chữa bệnh vẫn có thể sử dụng giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ khẩu… Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều người chỉ cần đến thẻ BHYT dưới 6 tuổi khi con phải nằm viện, bị bệnh hiểm nghèo như tim, thận, ung thư…
Bác sĩ Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bến Cát nhận xét: “Hầu hết PH chọn cách đưa con đi khám tư bởi ở đó được khám nhanh hơn và bác sĩ thường kê toa, bán thuốc luôn. Đến bệnh viện, theo quy định phải chờ làm thủ tục, chờ khám và cả chờ lấy thuốc BHYT. Mọi công đoạn đều phải đúng quy trình nên mất công và PH không đủ thời gian để đưa con đi khám đúng tuyến để được miễn phí trừ khi con bệnh nặng cần nhập viện điều trị”.
Tại Bệnh viện Đa khoa Dĩ An, khoa khám bệnh lác đác vài bệnh nhi đến khám. Đa số các bé được bà ngoại, bà nội đưa đi khám vì ba mẹ hầu hết đi làm công nhân và đang giờ vào ca.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế: Có nhiều lý do để PH không mặn mà với BHYT dưới 6 tuổi của con. Đó là tâm lý làm ba mẹ luôn mong cho con mình được chăm sóc tốt nhất, mau lành bệnh. Thế nên họ chọn phòng khám tư để tiện lợi và nhanh chóng hơn bởi sợ đến bệnh viện gặp tình trạng quá tải. Với PH là công nhân, nghỉ việc để đưa con đi khám lại bị trừ lương, mất điểm chuyên cần. Họ đành tốn tiền ở phòng khám tư cho xong là vì thế. Nếu triển khai được mô hình bác sĩ gia đình thì hay, tiện cả đôi đường. Tương lai sẽ tiến tới mô hình bác sĩ gia đình. Từng khu vực có bác sĩ phụ trách, như thế, bệnh sử của người dân ở đó, nhất là với trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được chăm sóc tốt hơn. Với bệnh nhẹ, PH có thể gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn, khi bệnh nặng hơn, bác sĩ đến nhà thăm khám và có ý kiến trong điều trị, chuyển viện… sẽ tốt hơn và tránh được tình trạng quá tải như hiện nay…
Bé Nguyễn Gia Bảo, gần 3 tuổi được bà ngoại đưa đi khám bệnh do nóng, sốt cao. Hai bà cháu đang ngồi trước cửa phòng khám chờ thử máu để theo dõi bệnh sốt xuất huyết. Bà Phạm Thị Ngọc Hưng, bà ngoại cháu Bảo cho biết bà ở Đông Hòa, TX.Dĩ An và xưa nay chỉ khám BHYT vì nhà có người rảnh rỗi. Theo bà, ba mẹ của bé Bảo đều đi làm công nhân, thu nhập thấp, mỗi lần con bệnh đi khám bên ngoài phải tốn vài trăm ngàn đồng, bằng mấy ngày lương nên không có tiền. Vào bệnh viện vừa yên tâm vừa không tốn bất cứ khoản nào vì có thẻ BHYT dưới 6 tuổi nên từ khi bé Bảo sinh ra đến nay chỉ khám BHYT.
Nhiều người khác đưa con, cháu đi khám thì cho rằng; họ cũng mong được đưa con đến bệnh viện khám chữa bệnh để đỡ tốn kém nhưng ngại thủ tục rườm rà và ngại chờ đợi.
Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT dưới 6 tuổi, chủ yếu là trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ theo bố mẹ đi làm ăn xa khỏi nơi cư trú. Trên thực tế, đại đa số trẻ em đều được khám chữa bệnh theo chế độ BHYT, được miễn phí 100% dù không có thẻ khi đến cơ sở y tế công. Tuy nhiên, cần bớt đi những bất cập, rút ngắn thời gian, thủ tục trong khám chữa bệnh ở bệnh viện công thì BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ có tác dụng và ý nghĩa hơn. Khi đó, PH cũng không “lơ là” với tấm thẻ BHYT dưới 6 tuổi của con em mình…
QUỲNH NHƯ