Bất ngờ về lực lượng lính đánh thuê hùng hậu xuất thân từ Colombia

Cập nhật: 13-08-2021 | 14:28:25

Tại Haiti, các nhà điều tra hiện đang tiếp tục tìm kiếm kẻ chủ mưu trong vụ thuê hơn 20 cựu quân nhân Colombia thực hiện phi vụ ám sát đương kim Tổng thống Haiti Jovenel Moïse (xảy ra vào tháng 7/2021) và đẩy đảo quốc này vào khủng hoảng.

Binh sĩ Colombia đi tuần. Ảnh: New York Times.

Nhưng cách đó khoảng 1.000 dặm, tại đất nước Colombia, vụ bắt giữ 18 trong tổng số 20 cựu binh đó ở Port-au-Prince đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chính sách của Colombia đối với các cựu quân nhân của nước này.

Nguồn cung lính đánh thuê cho thế giới

Nội chiến tại Colombia đã kéo dài 73 năm và quốc gia này sở hữu quân đội đông thứ nhì khu vực châu Mỹ Latin.

Mỗi năm, có 10.000 quân nhân Colombia được cho giải ngũ, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Colombia. Đa phần những người này là quân nhân cấp thấp chỉ được hưởng mức lương hưu nhỏ bé, trình độ giáo dục lại thấp, một bộ phận thậm chí còn mù chữ và thiếu kinh nghiệm hòa nhập với thế giới dân sự. 

Do có ít cơ hội việc làm ở trong nước, hàng ngàn cựu quân nhân Colombia đã ra nước ngoài tìm việc. Trong thập kỷ qua, các cựu binh này đã trở thành yếu tố quan trọng trong "ngành lính đánh thuê toàn cầu" đang gia tăng và ít bị giám sát. Trong ngành này, các cựu binh Colombia làm thuê cho các chính phủ nước ngoài và các công ty thầu quốc phòng-an ninh.

Cựu quân nhân Colombia có sức hấp dẫn với các nhà tuyển dụng toàn cầu ở chỗ: Họ có kinh nghiệm chiến trường và chấp nhận làm việc với mức thù lao tương đối thấp.

Isaías Suache, 44 tuổi - một cựu lính đặc nhiệm và người đứng đầu một hiệp hội cựu chiến binh Colombia, nói: "Chúng tôi là cỗ máy chiến tranh, chúng tôi được huấn luyện như vậy".

Khoảng 4 lính đặc nhiệm Colombia về hưu đã tới Haiti vào đầu năm 2021 sau khi một đồng đội của họ hứa hẹn về các công việc bảo vệ với mức lương 2.700 USD/tháng, gấp gần 7 lần mức lương hưu 400 USD của họ.

Trong các cuộc phỏng vấn, gia đình những cựu lính đặc nhiệm này (bị bắt sau vụ ám sát Tổng thống Haiti) xác nhận rằng đa phần những người này tin rằng mình sẽ làm các công việc hợp pháp như bảo vệ một yếu nhân (VIP) nào đó.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Giới chức Colombia đã mô tả quyết định của các cựu quân nhân trên đi sang Haiti là lựa chọn mang tính cá nhân với những hậu quả nghiêm trọng. Trả lời một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Diego Molano cho rằng việc thiếu cơ hội việc làm trong nước "tuyệt nhiên không thể là cái cớ để phạm tội".

Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian vài tuần sau vụ ám sát, các cựu chiến binh Colombia đã hối thúc chính quyền nước này xem xét lại cách đối xử với giới cựu quân nhân và nhìn nhận vì sao lại có nhiều người trong số họ quyết định ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ đánh thuê. Giới chuyên gia an ninh và một số cựu chiến binh cho rằng sự bất mãn của các cựu quân nhân mở ra cánh cửa cho các thế lực ngầm muốn thuê họ, từ đó tạo ra mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.

Bất chấp một thỏa thuận hòa bình năm 2016 giữa chính phủ Colombia và nhóm phiến quân lớn nhất tại nước này, xung đột vũ trang nội địa không hề có dấu hiệu chấm dứt. Ngày nay quân đội Colombia vẫn đang huấn luyện và triển khai một thế hệ binh sĩ mới để chống lại các phái cả cũ lẫn mới.

Một số cựu chiến binh Colombia cảnh báo, nếu cơ hội trong nước không được cải thiện, thì những người như trên sẽ bị đẩy ngay vào ngành công nghiệp lính đánh thuê toàn cầu ngày càng sôi động và có tiềm năng gây bất ổn thêm cho thế giới.

Raúl Musse,50 tuổi - chủ tịch một hội cựu chiến binh khác tại Colombia, kêu gọi: "Hãy ủng hộ chúng tôi. Hãy giúp đỡ chúng tôi để người ta quan tâm đến tương lai của chúng tôi".

Nội chiến Colombia bắt đầu từ năm 1948. Đây là một cuộc chiến tranh phức tạp giữa chính phủ, quân nổi dậy cánh tả, lực lượng bán quân sự cánh hữu và các tổ chức buôn bán ma túy (mafia).

Quân nhân Colombia đa phần xuất thân từ nông thôn và các gia đình dân lao động. Khi được cho nghỉ hưu, họ thường ở tầm tuổi 40 sau khoảng 20 năm phục vụ. Nhiều người tâm sự rằng họ có ít công cụ để thành công trong cuộc sống dân sự.

Mức lương hưu 400 USD/tháng chỉ đủ duy trì mức sống cơ bản tại các thành phố như Bogotá. Quân đội Colombia có một chương trình tái hòa nhập, trong đó có chương trình đào tạo nghề như nấu ăn và xây dựng trong một năm cho các quân nhân xuất ngũ.

Một bộ luật năm 2019 về các chiến binh là nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên. Luật này đã tạo ra quỹ cung cấp tín dụng cho những người lính muốn học cao lên...

Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Molano cho rằng như vậy là khá tốt nhưng nhiều cựu binh nước này cho rằng họ còn cần nhiều thứ nữa./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên