“Tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền công nghiệp gắn với phát triển vùng và địa phương, có phân kỳ đầu tư, ưu tiên các dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn để tập trung đầu tư”. Đây là một mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ huyện Bàu Bàng đề ra để thực hiện Chương trình số 23-Ctr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy về huy động và phát triển các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đến nay, việc thực hiện chương trình này đã đạt những kết quả bước đầu.
Sau khi huyện được thành lập, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã được huyện Bàu Bàng quan tâm đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các công trình trọng điểm, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, giao thông, giáo dục, y tế…, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng tăng và đa đạng với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2014-2015 là 603 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư 313 tỷ đồng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) đầu tư 286 tỷ đồng.
Trường Tiểu học Cây Trường (xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng) đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: T.THẢO
Tuy nhiên, theo ông Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình cấp bách, thiết yếu, quan trọng. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực được quan tâm chỉ đạo nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Hạ tầng giao thông đối ngoại chưa hoàn chỉnh, các tuyến đường tỉnh và đường huyện đang xuống cấp và hư hỏng. Hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa cũng chưa đảm bảo tốt; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm. Vì vậy, cụ thể hóa Chương trình số 23-Ctr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy về huy động và phát triển các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, Huyện ủy Bàu Bàng đã xây dựng Chương trình 12-Ctr/ HU về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu mà Chương trình 12-Ctr/HU đề ra là đến năm 2030, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và vệ sinh môi trường. Từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đồng thời tạo điều kiện đưa Bàu Bàng trở thành đô thị vệ tinh của tỉnh Bình Dương. Nhiệm vụ cụ thể về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là tập trung phát triển các lĩnh vực hạtầng then chốt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền công nghiệp gắn với phát triển vùng vàđịa phương, cóphân kỳ đầu tư, ưu tiên các dựán quan trọng tạo sựđột phávàcósức lan tỏa lớn đểtập trung đầu tư.
Theo đó, huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch trong các đồ án quy hoạch, bảo đảm phùhợp với quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng được duyệt. Lập quy hoạch phát triển đô thị, quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để thực hiện các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị đúng theo quy hoạch được duyệt. Đẩy nhanh thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nông thôn như: hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, trường học, trụ sở, trạm y tế và hệ thống kênh, mương thủy lợi làm cở sở phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm tra, thẩm định các công trình 2016-2020 theo đúng kế hoạch.
Qua 2 năm thực hiện, giai đoạn 2016-2017, vốn ngân sách Nhà nước đã tập trung đầu tư nhiều công trình trọng điểm, quan trọng. Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư với nhiều công trình trọng điểm hoàn thành như nâng cấp nhựa bê tông tuyến ĐH619 dài 4,1km; duy tu sửa chữa nhiều tuyến đường huyện như ĐH610, ĐH611, ĐH616 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn… Huyện cũng đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 31 công trình xây dựng hệ thống thoát nước và nạo vét khai thông dòng chảy. Cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế được đầu tư theo hướng chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Cụ thể, hiện trong số 31 trường học (trong đó có 3 trường ngoài công lập), có 17 trường đạt chuẩn quốc gia. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cũng đạt kết quả khá tốt.
Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch; tập trung huy động và sử dụng các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời tăng cường quản lý và giám sát chất lượng công trình và quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư, thực hiện tốt việc duy tu bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng để phát huy tính năng sử dụng, duy trì độ bền vững cho công trình.
THU THẢO