“Bầu sữa mẹ”

Cập nhật: 20-07-2010 | 00:00:00

Trong những ngày gần đây, bên cạnh những dòng thông tin nóng bỏng khác nổi lên một thông tin thời sự khiến nhiều người quan tâm, đó là “tình trạng nợ đầm đìa của Tập đoàn Đóng tàu Vinashin”. Tập đoàn Vinashin là loại hình doanh nghiệp (DN) hàng đầu được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt để có thể cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn nước ngoài, chủ trương hình thành các tập đoàn mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là không sai nhưng việc tổ chức - theo dõi - kiểm tra hoạt động của các tập đoàn này là việc cần phải nghiêm khắc nhìn nhận lại.

Theo các chuyên gia đánh giá, qua sự kiện Vinashin cho thấy các tập đoàn theo hình thức DN Nhà nước còn có sự ưu ái trong lĩnh vực vay vốn, giao mặt bằng, kiểm tra và giải quyết hậu quả... điều này tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh kinh doanh giữa các loại hình DN và cũng tạo sự chủ quan vào “bầu sữa mẹ” của chính các DN Nhà nước. Nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước vì dễ huy động vốn nên đã đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả. Ngay Vinashin cũng có gần 200 công ty con kinh doanh đủ loại ngành nghề, riêng lương và chi phí cho bộ máy gián tiếp đã là quá lớn không hiệu quả và lĩnh vực chính là đóng tàu lại thua lỗ triền miên vì hầu như chưa có thương hiệu.

Có thể nói DN Nhà nước từng có thời kỳ là đầu tàu kinh tế, chẳng những tạo sự phát triển kinh tế chung mà còn góp phần chính giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn người lao động, tạo sự bình ổn xã hội. Nhưng từ khi đất nước hội nhập và cả nước thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhiều DN lâm vào thế khó khăn khi phải cạnh tranh quyết liệt trên thương trường, nhiều DN Nhà nước phải sắp xếp thu gọn lại thậm chí phá sản. Có vẻ như sự cảnh báo trước khi hội nhập không được các DN Nhà nước quan tâm và chuẩn bị chu đáo, nhiều DN chờ nước tới chân mới nhảy cho nên hậu quả không tốt rất dễ xảy ra. Cạnh tranh trên thương trường toàn cầu hết sức phức tạp, các DN non trẻ của Việt Nam đang đối mặt với các tập đoàn có vốn và công nghệ cao cùng với nhiều trăm năm kinh nghiệm cho nên cần có sự hỗ trợ là tất nhiên nhưng hỗ trợ như thế nào mới là điều quan trọng vì nếu quá ưu ái sẽ tạo tâm lý chủ quan và thiếu động lực phát triển.

Đã đến lúc phải kiên quyết tái cơ cấu và sắp xếp lại loại hình DN Nhà nước, đây là việc làm không những tạo sự bình đẳng trong kinh doanh mà còn giúp các DN Nhà nước nhìn nhận lại chiến lược phát triển của mình, nhất là loại bỏ tư tưởng trông chờ vào sự cứu rỗi của Nhà nước khi gặp khó khăn, trong khi ngân sách Nhà nước đang phải chắt chiu từng đồng tiền thuế của người dân thì thật xót xa khi phải trang trải những khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng như vậy.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên