Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chiều 20/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 37 sau 11 ngày làm việc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 13 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám sắp tới; đồng thời xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Thời gian phiên họp tuy dài nhưng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động sắp xếp thời gian, tham gia đầy đủ các phiên họp và cho ý kiến rất sôi nổi vào các nội dung trong chương trình. Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị chu đáo, phối hợp tốt và tham dự đầy đủ các nội dung.
Nhấn mạnh rằng, thời gian đến Kỳ họp thứ tám của Quốc hội chỉ còn 1 tháng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan có căn cứ triển khai các bước tiếp theo.
Các cơ quan hữu quan tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào các dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với việc ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu; dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; báo cáo công tác năm 2019 và kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tám của Quốc hội; phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về nhân sự; việc thành lập, điều chỉnh một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương.
Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Cho ý kiến về dự án luật, các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ; tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo sự thống nhất trong quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi hơn cho người nước ngoài khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Dự kiến, dự luật sửa đổi, bổ sung 2 nhóm nội dung. Thứ nhất là luật hóa quy định về thị thực điện tử mà Quốc hội đang cho phép tiến hành thí điểm. Thứ hai là sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo bảo đảm tính phù hợp, khả thi, chặt chẽ, không để ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia; rà soát lại các điều kiện miễn thị thực vào các khu kinh tế ven biển; thời hạn thị thực bảo đảm hợp lý với các trường hợp đơn phương miễn thị thực, thu hút đầu tư và du lịch nhưng cũng phải chặt chẽ trong quản lý, tránh để bị lợi dụng; nghiên cứu các ý kiến về tiêu chí xác định thời hạn của thẻ tạm trú cho nhà đầu tư, như vốn đầu tư; làm rõ cơ sở đề nghị nâng thời hạn tạm trú cho nhà đầu tư từ 5 năm lên 10 năm…
Cũng trong chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ./.
Theo TTXVN