Ảnh minh họaLiên quan tới cúm A/H5N1, từ đầu năm tới nay cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Như đã đưa tin, đến chiều 26-2, bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 ở Bình Dương vẫn trong tình trạng nguy kịch.
>> Bình Dương: Phát hiện bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TP HCM cho biết, sau 9 ngày phát bệnh và được khám điều trị tại các bệnh viện Vũ Cao, thị xã Dĩ An, bệnh viện Quân đoàn 4 tại Bình Dương, nhưng tình hình sức khỏe của bệnh nhân Trương Phú Sơn, 22 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại khu phố 8, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu. Đến ngày 24/2 bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại bệnh viện nhiệt đới TP HCM và đến ngày 25/2 kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm cúm AH5N1. Hiện, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng khó tiên lượng, sốt cao, suy hô hấp.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: “Tình trạng bệnh nhân hiện không nặng thêm, nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều so với lúc nhập viện. Bệnh cúm gia cầm thì tỷ lệ tử vong rất cao. Chúng tôi đang cố gắng điều trị, làm đầy đủ những kỹ thuật và xét nghiệm, theo dõi bệnh nhân mỗi ngày đúng theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi từ tuyến dưới chuyển lên, chúng tôi cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học cho nhân viên khi tiếp xúc với bệnh nhân. Đối với trường hợp một số nhân viên y tế có tiếp xúc gần với bệnh nhân, chúng tôi cho uống thuốc dự phòng”.
Ngay khi phát hiện ca bệnh cúm A/H5N1 tại Bình Dương, chiều 25/2 lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM và Sở Y tế Bình Dương đã có cuộc họp để phòng chống căn bệnh này và nhanh chóng triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nơi bệnh nhân tạm trú tại tổ 12, khu phố 8, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân thời gian gần đây cũng được cách ly theo dõi sức khoẻ. Nhằm hỗ trợ Bình Dương chủ động phòng, chống dịch bệnh, Viện Pasteur TP HCM vừa cấp cho ngành y tế tỉnh Bình Dương 300 viên taminflu.
Về xác định nguồn lây bệnh để có giải pháp đồng bộ ngăn chặn, Đại diện Viện Pasteur TP HCM đưa ra 3 giả thuyết về nguồn lây: Một là tại tỉnh Thanh Hóa, vì trong thời gian về quê ăn Tết, bệnh nhân có ăn tiết canh vịt nhiều lần, trong khi Thanh Hóa đang là tỉnh có dịch cúm gia cầm; thứ hai là tại Bình Dương nơi bệnh nhân tạm trú và thứ ba là tại huyện Củ Chi vì bệnh nhân có tham gia làm thịt và ăn thịt vịt mua tại huyện Củ Chi.
Theo VOV