Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trung (6.1961 - 10.1974): Gắn liền với những bước ngoặt lịch sử cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một

Cập nhật: 05-02-2013 | 00:00:00

Tỉnh Thủ Dầu Một bao gồm: Thị xã Thủ Dầu Một và các huyện: Bến Cát, Dầu Tiếng, Châu Thành, Lái Thiêu. Trung ương Cục chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thủ Dầu Một gồm các đồng chí:

- Nguyễn Văn Trung (Sáu Trung) làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Trần Quốc Ân, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội trưởng.

Trương Văn Rê (Hai Kiên), Ủy viên Thường vụ, phụ trách công tác tuyên huấn, tổ chức Tỉnh ủy.

- Nguyễn Thị Liên (Tám Liên), Tỉnh ủy viên, phụ trách công tác dân vận.

- Phan Văn Trang (Năm Trang), Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu.

Khoảng giữa tháng 5-1965, đồng chí Nguyễn Văn Trung được điều về Khu ủy miền Đông Nam bộ. Đồng chí Trần Quốc Ân, Phó Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến cuối năm 1965, Khu ủy điều đồng chí Nguyễn Văn Trung trở lại làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một.  

Bia chiến thắng Bàu Bàng (Bến Cát) - Nơi ghi dấu chiến thắng của quân và dân ta đối với đế quốc xâm lược Mỹ, ngày 11-11-1965

Ngày 25-10-1967, Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Chấp hành các Phân khu ủy thay cho các Tỉnh ủy. Lúc này, đồng chí Hoàng Minh Đạo (Năm Thu) làm Bí thư Phân khu ủy kiêm Chính ủy lực lượng vũ trang; đồng chí Nguyễn Văn Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một làm Phó Bí thư Thường trực Phân khu ủy. Tháng 10-1974, đồng chí Nguyễn Văn Luông, Bí thư Tỉnh ủy Tân Phú được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thay đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ về Khu ủy miền Đông.

Như vậy, từ tháng 6-1961 đến tháng 10-1974, đồng chí Nguyễn Văn Trung luôn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử cách mạng của tỉnh với vai trò người lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thủ Dầu Một.

Giai đoạn lịch sử từ năm 1961 đến giữa năm 1965, cùng với quân và dân toàn miền Nam, Đảng bộ quân và dân Thủ Dầu Một đã vượt qua những thử thách, đương đầu với chương trình “bình định” gom dân, lập ấp chiến lược của Mỹ ngụy, một chiến lược hết sức thâm độc của địch, nhưng phong trào cách mạng trong tỉnh vẫn phát triển mạnh mẽ. Bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), trên cả 3 vùng chiến lược, khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào phá ấp chiến lược. Từ kinh nghiệm phá ấp chiến lược Bến Tượng đến cuối năm 1964, đầu năm 1965, hơn 2/3 ấp chiến lược của địch trong tỉnh bị phá rã hoàn toàn, hơn 1/3 dân số vùng nông thôn và một nửa đất đai được giải phóng. Cán bộ, đảng viên được thử thách, rèn luyện trong chiến đấu và xây dựng phong trào đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Hệ thống tổ chức và bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ được xây dựng, củng cố từ tỉnh đến cơ sở và đã góp phần cùng quân dân toàn miền và quân dân cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên toàn miền Nam.

Giai đoạn từ giữa 1965 đến cuối 1968, lực lượng cách mạng ở Thủ Dầu Một đã nhanh chóng phát triển, kiên cường chiến đấu, đánh thắng các cuộc phản công của địch, đồng thời tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, góp phần đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; cùng quân dân cả nước lập nên những chiến công vang dội, buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo tinh thần hiệp định, đế quốc Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam, Mỹ công nhận độc lập, chủ quyền về toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam - Một bước ngoặt lịch sử có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1973 đến 1974, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Thủ Dầu Một tiếp tục phát huy những thắng lợi có tính chiến lược, tạo thế và lực mới, kiên quyết đánh bại các cuộc lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng, tạo thời cơ cho chiến dịch 1974- 1975 đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân Việt Nam.

Là địa bàn trọng điểm của chiến trường miền Đông Nam bộ, trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một luôn phải đối phó với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện con người Thủ Dầu Một -Sông Bé - Bình Dương có một nghị lực và trí thông minh, sáng tạo để đánh thắng kẻ thù xâm lược.

HÀ THĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên