Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại cuộc họp.
Hiện nay biến thể phụ BA.4 và BA5 của chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, có thể lấn át biến thể BA1, BA2. Một số đánh cho thấy biến thể này lây lan nhanh hơn các biến thể trước.
Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 27/6.
Virus SARS-CoV-2 tiến hóa khôn lường
Giáo sư Phan Trọng Lân phân tích bản chất virus SARS-CoV-2 là sự tiến hoá khôn lường. Trên thế giới các nhà khoa học đánh giá sự tiến hoá của chủng virus này dựa trên 5 tiêu chí: Lây lan, mức độ nặng, virus tăng sức chịu đựng với vaccine, virus là giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán.
Qua theo dõi trong 2 năm vừa qua cho thấy từ chủng virus gây bệnh ban đầu, đại dịch thường đi theo xu hướng tăng miễn dịch của vaccine, giảm dần xu thế của dịch dịch xu hướng của dịch hoặc nó biến mất hoặc thành bệnh lưu hành.
“Thực tế Việt Nam đã trải qua 5 đợt dịch với 5 biến thể sau đó chủng Delta và Omicron lây lan rất nhanh. Trong Omiron lại có 5 biến thể phụ. Sự biến đổi ấy không lường được và ngay từ tháng 9/2021 khi chủng Delta lây lan rất nhanh nhưng đến tháng 11 xuất hiện chủng Omicron với nhiều biến thể lây lan nhanh hơn. Hiện tại biến thể phụ của Omiron là BA4-BA5 lây lan nhanh hơn BA1 và BA2. Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận và với sự giao lưu đi lại như hiện nay thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả,” giáo sư Lân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một điểm cần lưu ý là trước đây lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA1, BA2 thì đến nay một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA4, BA5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc. Điều này làm dấy lên quan ngại về quá tải chăm sóc y tế.
Theo ông Phan Trọng Lân, hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA4, BA5.
"WHO cũng cảnh báo có nơi nào đó chưa an toàn (vùng chưa tiêm chủng), kháng thể chưa đảm bảo thì nguy cơ lây nhiễm thì virus có kết hợp trở thành biến thể mới. Tuy nhiên qua các biến thể gây bệnh, dù có khác nhau nhưng vaccine sẽ giúp giảm tình trạng nhập viện, nặng và tử vong do người dân đã tiêm," ông Lân chỉ rõ.
Omicron vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng
Giáo sư Phan Trọng Lân nhấn mạnh: “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định COVID-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS- CoV-2. Để đánh giá công bố hết tình trạng này hay không WHO 3 tháng có đánh giá lại 1 lần. Lần gần đây nhất vào tháng 4/2022 WHO đã có đánh giá cuối cùng và vẫn xem COVID-19 là tình trạng y tế công công khẩn cấp. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.”
Giáo sư Lân cho hay hiện virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.
Theo Bộ Y tế, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Tại Việt Nam, hiện vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỷ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể BA.2 của Omicron có biểu hiện lâm sàng nhẹ.
Theo giáo sư Phan Trọng Lân, trong vòng 2 tháng qua, các tỉnh phía Bắc ghi nhận hơn 106.000 trường hợp mắc COVID-19 (cao gấp 10 lần miền nam), miền Trung ghi nhận hơn 8.000 trường hợp.
Còn trên thế giới, trong tuần từ 23-29/5, so với tuần trước đó: Tổng số ca mắc mới tại khu vực châu Mỹ tăng 9%, khu vực Trung Đông tăng 1%; tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực châu Phi tăng 15%, khu vực châu Mỹ tăng 13%.
Theo Bộ Y tế, những con số trên có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được chú trọng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ./.
Theo TTXVN