Bình Dương phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Cập nhật: 27-07-2010 | 00:00:00

  Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn thăm và tặng quà cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Mua, phường Hiệp An, TX.TDMThực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Ơn nghĩa ấy vẫn mãi đáp đền

Kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đang diễn ra tại khắp các địa phương trong tỉnh. Bắt đầu từ ngày 26-7, đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng 280 phần quà cho gia đình chính sách người có công tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Mỗi phần quà gồm sữa, bánh... và tiền mặt 1 triệu đồng, tổng trị giá 1,5 triệu đồng/phần quà. Dịp này, từ nguồn ngân sách tỉnh, hơn 18.000 đối tượng chính sách người có công trong tỉnh cũng được tặng quà bằng tiền mặt với 2 mức 400.000 và 600.000 đồng (tùy đối tượng). Trước đó, đoàn lãnh đạo một số huyện, thị cũng đã đi thăm và tặng quà cho gia đình chính sách.

 

Ưu đãi người có công với nước là chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đến nay Bình Dương đã giải quyết mới 24.634 hồ sơ trợ cấp cho các loại đối tượng nâng tổng số hồ sơ chính sách của toàn tỉnh lên trên 40.000 hồ sơ, trong đó có 8.700 hồ sơ đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh việc thực hiện các chế độ chính sách và nhà ở cho đối tượng chính sách đó là công tác truy tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ về an táng ở các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trong tỉnh đã được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. 784 hài cốt liệt sĩ được quy tập vào an táng và chăm sóc trong các NTLS. Đồng thời các NTLS trong tỉnh thường xuyên được chăm sóc nâng cấp tu bổ đã trở thành các công trình văn hóa lịch sử tạo điều kiện dễ dàng cho thân nhân thăm viếng mộ liệt sĩ. Công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách có công cũng được các ngành các cấp quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 810 bà mẹ VNAH, trong đó có 61 bà mẹ còn sống; 116 thương bệnh binh (TBB) nặng và các gia đình liệt sĩ còn khó khăn đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng và hỗ trợ thêm hàng tháng từ 200 - 400 ngàn đồng. 100% bà mẹ VNAH, TBB nặng được cấp thẻ khám chữa bệnh trung cao của tỉnh; trên 10.000 đối tượng chính sách và một số thân nhân của họ cũng được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe.

Xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Trong thời gian qua hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng luôn được bổ sung hoàn thiện, tạo điều kiện hơn để ngày càng có nhiều người có công trong kháng chiến được hưởng ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là các chế độ trợ cấp thường xuyên trong những năm gần đây luôn được điều chỉnh tăng dần cho phù hợp với tình hình đời sống thực tế góp phần vào việc cải thiện thu nhập và đời sống của gia đình chính sách. Nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình chính sách,  tỉnh đã trích ngân sách cũng như tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ xây dựng và sửa chữa được 2.150 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 38 tỷ đồng; tặng 917 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 390 triệu đồng. Công tác này đã tạo điều kiện để các đối tượng chính sách “an cư lạc nghiệp”. Việc chăm sóc đời sống cho đối tượng chính sách còn được các địa phương xã hội hóa bằng nhiều phong trào, nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống như phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo giúp đỡ có hiệu quả gia đình chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ đó mà đến nay Bình Dương đã có nhiều nhân tố điển hình gia đình chính sách, với sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội đã giúp họ vượt khó vươn lên trở thành người sản xuất - kinh doanh giỏi trong cơ chế thị trường.

Đất nước đang bước vào thời kỳ CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, có được cuộc sống hôm nay, Bình Dương đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Bà HUỲNH THỊ HỒNG THU - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thực hiện tốt các chế độ chính sách với người có công

Những kết quả khá tốt mà Bình Dương đạt được những năm qua trong việc thực hiện công tác chính sách đối với người có công với cách mạng, thể hiện chính sách hậu phương quân đội của tỉnh. Đây cũng là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phấn đấu nỗ lực, sự phối hợp hiệu quả của các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh... nhằm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người cống hiến, hy sinh xương máu cho độc lập của Tổ quốc và tự do hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề chính sách đối với người có công cách mạng mà tỉnh cần thực hiện tốt trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã ban hành đối với người có công với cách mạng. Điều tra tình hình đời sống các đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo và một số gia đình chính sách thật sự khó khăn về nhà ở để có những giải pháp hỗ trợ...

 VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên