Bình ổn giá đất năm 2011 góp phần chống lạm phát

Cập nhật: 04-01-2011 | 00:00:00

Tại hội nghị tổng kết năm 2010 và triển khai kế hoạch công tác năm 2011 của ngành tài nguyên môi trường tổ chức mới đây ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quán triệt chủ trương bình ổn giá đất năm 2011, góp phần phòng chống lạm phát.

Khung giá đất mới được ban hành tại các địa phương về cơ bản vẫn ổn định so với năm 2010 và được chờ đợi sẽ góp phần bình ổn giá đất năm 2011.

 Ảnh minh họa.  Ổn định so với giá đất năm 2010

Theo biểu giá mới, mức giá đất tối thiểu tại Hà Nội vẫn giữ ở mức 2,34 triệu đồng/m2 và tối đa 81 triệu đồng/m2 trên một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm như Hàng Ngang, Hàng Đào.

Giá đất ở tại khu vực dân cư nông thôn được quy định ở mức tối thiểu là 250.000 đồng/m2 và tối đa là 2,25 triệu đồng/m2.

Đối với những huyện giáp ranh có mức độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng và Thường Tín... giá đất năm 2011 được điều chỉnh tăng theo hướng tiếp cận với mức trần do Chính phủ quy định là tối thiểu 1,67 triệu đồng/m2 và tối đa 26,4 triệu đồng/m2.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá đất của phần lớn các tuyến đường trong đô thị vẫn được giữ nguyên so với năm 2010. Với việc bổ sung và thêm mới gần 120 tuyến đường, toàn thành phố có hơn 3.000 tuyến đường được định giá trong bảng giá đất năm nay.

Những tuyến đường có mức giá đất cao nhất vẫn là Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi với mức 81 triệu đồng/m2, thấp nhất vẫn là tại khu vực huyện Cần Giờ với mức 110.000 đồng/m2. Giá đất nông nghiệp được giữ ở mức ổn định, thấp nhất là khoảng 45.000 đồng/m2 và cao nhất là 190.000 đồng/m2.

Khung giá đất mới tại các tỉnh, thành phố còn lại trong cả nước cũng được xây dựng theo hướng tiệm cận giá đất đang giao dịch trên thị trường.

Theo đánh giá của ông Phùng Văn Nghệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, việc xây dựng và ban hành khung giá đất năm 2011 theo chủ trương bình ổn giá của Chính phủ không chỉ góp phần phòng chống lạm phát, kiềm chế tăng giá đất mà còn là công cụ để hoàn thiện chính sách tài chính đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và thị trường bất động sản, đồng thời tích cực tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, định giá đất để hỗ trợ, tái định cư cho người dân tại những khu vực phải thu hồi đất, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích 3 bên giữa người dân, Nhà nước và các nhà đầu tư.

Vì sao cần bình ổn?

Trước nhiều ý kiến cho rằng, khung giá đất mới chưa phản ánh đúng với diễn biến giá cả của thị trường bất động sản, khó hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai hay ngăn chặn những cơn nóng, lạnh bất thường trong giao dịch địa ốc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã lý giải việc ban hành khung giá đất không ảnh hưởng gì đến thị trường bất động sản, bởi trên thực tế người bán và người mua, cung và cầu đã gặp nhau, đã có sự thỏa thuận.

Việc đưa giá giao dịch ngầm vào giá giao dịch chính thức chỉ làm cho thị trường tốt hơn, bình ổn hơn trong điều kiện bình thường, nhờ đó thị trường có thể trở nên ngày càng công khai và minh bạch.

Theo tổng kết của nhiều chuyên gia, 70% giao dịch trên thị trường bất động sản là giao dịch ngầm và những đợt “sóng giá” chủ yếu diễn ra tại những khu đô thị mới, khu vực thành phố mở rộng và đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Khung giá đất được xây dựng để làm cơ sở tính thuế sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá hay đấu thầu dự án. Đây cũng là cơ sở để thu lệ phí trước bạ khi chuyển quyền sử dụng đất hoặc tính giá trị quyền sử dụng đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đai phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và mục đích an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, khung giá đất còn được áp dụng để tính tiền bồi thường đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đánh giá tính hiệu quả và lợi ích của việc bình ổn khung giá đất, ông Nguyễn Đức Biền - trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội cho biết dựa vào khung giá đất năm 2010, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 450 dự án đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, 2.100 ha đất đã được thu hồi phục vụ cho các dự án đầu tư phát triển, trong đó có nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia, cấp thành phố, các dự án dân sinh bức xúc.

Ông Biền cho rằng việc xây dựng và hoàn thiện khung giá đất là hết sức cần thiết bởi nhờ đó đóng góp tăng thu ngân sách, phần nào kiểm soát các giao dịch ngầm, giao dịch nổi trên thị trường bất động sản. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để xác định mức giá bồi thường khi giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo công bằng và hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người dân và các chủ dự án.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên