Bộ Tài chính chịu trách nhiệm khi giá gas tăng bất thường

Cập nhật: 08-02-2012 | 00:00:00

Những ngày gần đây, giá gas trên thị trường đang tăng ở mức cao đã khiến người tiêu dùng chỉ còn biết kêu “trời”. Trước thực tế này, Bộ Công thương khẳng định, việc quản lý giá gas thuộc về Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục quản lý giá đã có phản hồi khẳng định hôm 7-2: "Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về việc quản lý giá gas. Nhưng tại Nghị định 107/2007 về kinh doanh gas quy định rất rõ ràng phải có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và các cơ quan khác. Trong đó, tại điều 55 đã nêu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công thương để kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá gas".

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, đây là hiện tượng tăng giá khá cao và có thể coi là bất bình thường. Tuy nhiên nhìn về gốc của vấn đề thì có thể thấy, Việt Nam phải nhập khẩu trên 50% sản lượng gas để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vì thế phải phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, gas là sản phẩm gốc dầu mà giá dầu từ tháng 1 đến nay liên tục tăng cho nên giá gas cũng tăng. Đồng thời, do nhu cầu về gas sưởi ấm trong mùa đông của các nước trên thế giới vẫn đang tăng nên giá gas trên thị trường thế giới đã tăng cao ở mức 145 USD/tấn từ tháng 2 so với tháng 1. “Như vậy, có thể thấy giá gas ở Việt Nam tăng là phù hợp với biến động giá của thế giới” – ông Thỏa khẳng định.

Theo Cục quản lý giá, hiện nay đã có một số doanh nghiệp đầu mối là Công ty cổ phần gas Petrolimex, Công ty dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh SaigonPetro, Công ty kinh doanh sản phẩm khí, Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, Công ty kinh doanh khí hóa lỏng Bắc và Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Đông gửi mức đăng ký giá trong tháng 2 về Cục Quản lý giá. Theo ông Thỏa, “Hoa hồng trong đợt này đều được các doanh nghiệp đầu mối giữ nguyên, không tăng hoa hồng để đội giá”.

Tuy nhiên, trong thị trường kinh doanh gas hiện có nhiều vấn đề phức tạp. Các cửa hàng bán lẻ theo quy định của Nghị định 107/2009 về kinh doanh gas đều phải chấp hành mức giá do thương nhân đầu mối quy định và không được bán giá nào khác.

“Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại hình kinh doanh gas mua đi bán lại không thuộc hệ thống đại lý của các thương nhân đầu mối. Do vậy với các trường hợp gas giả, gas mua trôi nổi về sang chiết nạp kinh doanh... không thuộc hệ thống phân phối nên các thương nhân không thể quản lý được giá. Vấn đề kiểm tra nguyên nhân tăng giá và bán hàng theo giá niêm yết thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tài chính ở các tỉnh, thành phố. Tôi cho rằng khi chúng ta đã có một lực lượng lớn 80% các doanh nghiệp lớn tham gia kinh doanh gas và nếu tổ chức tốt thì các doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh được giá gas trên thị trường”.

Hiện mới chỉ có TP HCM có đoàn kiểm tra việc kinh doanh gas trong đó có việc đăng ký giá gas tiếp nối vào đợt kiểm tra tháng 1. Còn các địa phương khác sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra vào thời gian tới.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên