Nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Đại diện Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc chủng mới Omicron. Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xét nghiệm để giám sát chặt chẽ biến chủng mới này.
Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ biến chủng mới Omicron. Đặc biệt, các đơn vị có liên quan chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt người đến/đi về từ các quốc gia khu vực Nam châu Phi.
Các đơn vị xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội.
Các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo nguyên tắc "4 tại chỗ": 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, với các trụ cột chính: Giám sát chặt, nhanh, phong tỏa hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể.
Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phát hiện sớm, xử trí kịp thời.
Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trong tình hình mới, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine cho người dân.
Theo khuyến cáo của WHO, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp là chủ động, hiệu quả nhất trong kiểm soát dịch bệnh, kể cả với các biến thể mới như Delta hay Omicron
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm: Vaccine; các biện pháp y tế công cộng-xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới. Trong số các công cụ này, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K (như ở Việt Nam), đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch.
6 nhà máy nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19
Liên quan đến thuốc điều trị vaccine phòng COVID-19, theo Bộ Y tế, tính đến ngày 2/12, cơ quan này đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ); Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc); thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt…
Theo Bộ Y tế, việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép sẽ đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.309.092 ca mắc COVID-19, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.280 ca nhiễm).
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.854 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 4.618 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1.376 ca; Thở máy không xâm lấn: 162 ca; Thở máy xâm lấn: 683 ca; ECMO: 15 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 197 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.260 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 127.353.020 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.251.913 liều, tiêm mũi 2 là 54.101.107 liều.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy thực tế đã cho thấy chiến lược vaccine của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt. Mặc dù Việt Nam xuất phát chậm hơn nhiều nước trong tiêm vaccine nhưng với tốc độ tiêm chủng vừa qua, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt hơn 94%, tiêm mũi 2 đạt 69%, đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới.
Tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.
Ông Kidong Park bày tỏ ấn tượng với Việt Nam về tiến bộ gia tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các quần thể dân số phù hợp. Ông nhấn mạnh việc cùng với tăng tốc độ, điều quan trọng là đảm bảo an toàn tiêm chủng.
"Chúng tôi cam kết tăng cường hệ thống quản lý các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Việt Nam để đảm bảo chương trình tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện thành công,” tiến sỹ Kidong Park cho hay./.
Theo TTXVN