(Nguồn: buoidoanhung.vn)
Bưởi Đoan Hùng vừa được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trao giải thưởng “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015.”
Vượt qua hơn 300 sản phẩm nông nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, bưởi Đoan Hùng đã được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp lựa chọn là 1 trong số 59 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2015.”
Bưởi đặc sản Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận có chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ năm 2006.
Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ.”
Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân đã trở thành tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn, qua đó đã giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên cây bưởi. Trong đó, bưởi Bằng Luân có cách đây 200 đến 300 năm, trồng nhiều nhất là ở xã Bằng Luân và xã Quế Lâm.
Bưởi Chí Đám phát triển phù hợp trên đất phù sa sông Lô, sông Chảy. Giống bưởi này được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của lão nông có tên là Sửu cách đây trên 200 năm. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây 15 tuổi có năng suất từ 100-150 quả, bảo quản sau 5-6 tháng quả vẫn giữ được chất lượng tốt.
Việc bưởi Đoan Hùng được công nhận là sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đồng thời, khuyến khích nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả với giá trị lớn.
Hiện nay, huyện Đoan Hùng có 1.680 ha trồng bưởi; trong đó diện tích trồng bưởi đặc sản đạt 1.062ha, còn lại giống bưởi Diễn.
Để phát triển cây bưởi, nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng, tỉnh Phú Thọ và huyện Đoan Hùng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ nhằm cải tạo, phục hồi và phát triển bền vững cho cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, đặc biệt là khắc phục tình trạng ra hoa nhưng không đậu quả, khô tôm…
Nhờ đó, sản lượng quả tăng đột biến từ 2.000 tấn năm 2010 lên đến gần 9.000 tấn năm 2015; giá trị sản phẩm của bưởi Đoan Hùng đạt trên 200 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt khoảng 600 triệu đồng/ha đối với bưởi Chí Đám, 400 triệu đồng/ha đối với bưởi Bằng Luân.
Từ nay đến năm 2020, huyện Đoan Hùng phấn đấu trồng mới khoảng 400ha, nâng diện tích bưởi đặc sản lên 1.500ha, diện tích cho thu hoạch đạt trên 1.100ha, tập trung phát triển tại 18 xã vùng thượng huyện như Bằng Luân, Quế Lâm, Bằng Doãn, Chí Đám, Phúc Lai, Tây Cốc, Minh Lương…
Theo vietnam+