Các mặt trận tình nguyện dài hạn: Vui quá là vui...

Cập nhật: 24-07-2010 | 00:00:00

Mới mấy ngày đóng quân mà các đội hình tình nguyện dài hạn tại các địa bàn xa xôi của tỉnh bạn đã sôi nổi bắt tay vào công việc. Vui nhất là các bạn được người già, con trẻ tại địa phương đồng tình hưởng ứng và hết lời tán thưởng.

Đặt cống thoát nước bảo vệ môi trường sống cho người dân địa phươngAnh Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc chỉ cho chúng tôi xem sân bóng chuyền mới toanh mà đầy phấn khởi. Anh nói như khoe: “Công trình của các bạn sinh viên tình nguyện Bình Dương đó”. Anh Lê Hà Dương, Phó Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương hào hứng kể về vô số những công việc mà các chiến sĩ đã làm được dù vừa mới đến đây chỉ mới vài ngày. Nào là sân bóng chuyền xi măng, diện tích 264m2, trị giá 15 triệu đồng vừa mới hoàn thành, tạo sân chơi cho thanh niên trong buôn D-Lung 1A có sân chơi thật gần (trước đây phải đi gần 8km mới có chỗ chơi). Theo kế hoạch chỉ thực hiện sân bóng chuyền nhưng vì phần diện tích đất còn rộng, lại thấy bà con “mê” bóng đá quá, vậy là đội hình tình nguyện của trường tiến hành cắt cỏ, ban đất làm thành sân bóng đá mini. Đến nay, khối lượng công trình đã hoàn thành trên 30%.

Buôn D-Lung có đến 99% là người dân tộc Êđê. Tuy cách xa thị xã không bao nhiêu nhưng nơi đây khung cảnh còn hoang sơ, người dân chủ yếu làm nương, rẫy. Mùa này là mùa của những trái ngô đồng. Bà con ở đây thương các chiến sĩ tình nguyện nên có trái ngô, quả chuối, nắm rau lang... đều mang cho các chiến sĩ hoặc mời các chiến sĩ về tận nhà lấy về để lo bữa cơm chiều. Cuộc sống của các chiến sĩ tình nguyện vì thế mà phấn chấn hẳn lên! Trường tiểu học I-nu-ê của buôn là nơi cư ngụ của các chiến sĩ. Ba phòng học vừa là nơi ăn ở, sinh hoạt, vừa là nơi để các em thiếu nhi đến ôn tập hè cùng các anh chị tình nguyện. Ở đây trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều em học sinh lớp 6 mà chưa thuộc bảng cửu chương, nhưng tinh thần hiếu học của bà con thì thấy thương hết cỡ. Ngày đầu tiên đã có hơn 60 em được ba mẹ tận tay dắt đến gửi cho các chiến sĩ tình nguyện, ngày thứ 2 con số tăng lên 200 và đến giờ thì đã hơn 350 em theo học. Đội hình tình nguyện phải tăng cường phân công nhau để dạy. Tình trạng thiếu “giáo viên” bỗng trở thành nan giải. Các chiến sĩ tình nguyện chỉ có thể nhớ mặt các em, còn tên thì phải viết đi viết lại nhiều lần vì chữ dân tộc Êđê thật khó nhớ. Có các anh, chị dạy học cho con em của người dân trong buôn, nhiều phụ huynh vui mừng ra mặt: “Cháu học chậm lắm, nhiều khi cô giáo nản lòng không muốn dạy nữa, chỉ có các chiến sĩ tình nguyện là kiên trì thôi”.

Sự kiện vui nhất có thể là đêm văn nghệ biểu diễn phục vụ bà con trong làng thu hút hơn 1.000 người đến xem. Lòng nhiệt tình của người dân làm cho tinh thần các chiến sĩ thêm phấn chấn. Nguyễn Thanh Hải, một chiến sĩ tình nguyện kể: “Lúc đầu trường chỉ mang theo 2 tiết mục văn nghệ đã tập dượt sẵn, nhưng thấy người dân “khát” văn nghệ nên đội tiếp tục luyện tập thêm nhiều tiết mục. Chưa tới giờ diễn mà bà con đã bao quanh phòng tập dượt để xem trước chương trình chứ không đợi đến lúc ra diễn”. Một cụ già cho biết: “Bà con muốn xem văn nghệ thì phải ra đến thị xã, nhưng hội trường ở đó cũng chỉ chứa được khoảng 100 người, còn trong buôn thì hiếm hoi lắm”. Có lẽ vì thế mà dù trời có bất chợt đổ cơn mưa, mọi người vẫn chờ đợi để xem cho hết các tiết mục mới thôi. Trong đội hình tình nguyện nhờ có một bạn sinh viên từng làm tình nguyện viên cho chương trình Học kỳ Quân đội nên biết nhảy các điệu dân vũ quốc tế. Nhờ đó, mà đội văn nghệ có thêm tiết mục hấp dẫn để biểu diễn. Xem xong tiết mục, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư phường Thống Nhất đề nghị phổ biến các điệu nhảy ấy cho cán bộ Đoàn cấp cơ sở. Sống trong môi trường tình cảm như vậy nên các chiến sĩ tình nguyện cũng tạm vơi nỗi nhớ nhà và ra sức cống hiến cho các hoạt động tình nguyện. Hiện các bạn đã lắp đặt xong 40 cống thoát nước thải nhằm bảo vệ môi trường sống cho bà con nơi đây (đạt gần 50% kế hoạch). Vừa làm vừa thay nhau nấu ăn, việc đi chợ nấu ăn được giao cho 3 chiến sĩ giỏi tài bếp núc. Chợ cách xa nơi đóng quân đến 4km, nhưng có điều giá cả thì rẻ gần phân nửa so với ở Bình Dương nên các “chị nuôi” tha hồ sáng tạo các món ăn để các chiến sĩ được “no lòng” làm việc. Lúc đầu thanh niên trong buôn còn ngần ngại, nhưng giờ thì công trình nào cũng có các bạn thanh niên trong buôn cùng tham gia. “Bà con ở đây thì khỏi phải nói, đang chạy xe trên đường, thấy các chiến sĩ làm việc cũng dừng lại bắt tay vào cùng làm luôn. Vui lắm!”, anh Lê Hà Dương hào hứng nói.

Các chiến sĩ tình nguyện trường Đại học Bình Dương ở mặt trận Đồng Tháp và Cà Mau hiện đã ổn định và bắt đầu triển khai các chương trình hoạt động. Cứ 3 - 4 chiến sĩ được bố trí ở trong nhà 1 hộ dân nên nề nếp sinh hoạt hết sức bảo đảm. Công việc đầu tiên là vận động các em thiếu nhi ôn tập hè, tuyên truyền cho người dân kiến thức về các bệnh mùa mưa, sốt xuất huyết, sức khỏe sinh sản, vận động người dân xây cột cờ, bắt đèn chiếu sáng, phát quang bụi rậm, làm đường giao thông nông thôn, giúp người dân gặt lúa, phơi thóc...

Thông tin về các hoạt động từ các mặt trận tỉnh Đắc Nông của đội hình dài hạn Đoàn khối Dân Chính Đảng, Đồng Tháp của các sinh viên tình nguyện trường Đại học Thủ Dầu Một cũng sôi nổi không kém. Mới những ngày đầu mà không khí lao động hăng say đã tràn ngập ở những mặt trận tình nguyện. Sự khởi đầu tốt đẹp sẽ tạo đà cho những thành quả tốt đẹp của mùa hè tình nguyện năm nay.

THANH HOÀI

Tham gia chiến dịch hè tình nguyện năm nay, trường Đại học Bình Dương, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường Đại học Bình Dương đã tổ chức cho sinh viên thực hiện các hoạt động tình nguyện tại 2 mặt trận là huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với 6 đội hình tại 6 xã gồm 100 SV tham gia; huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với 2 đội hình tại 2 xã gồm 30 SV tham gia và đội hình tại chỗ với 50 SV tham gia. Trong chiến dịch mùa hè tình nguyện năm nay, Ban Thường vụ Đoàn trường - Ban Thư ký Hội SV Đại học Bình Dương còn tặng 8 bộ máy vi tính trị giá 44.800.000 đồng cho 6 xã của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) và 2 xã huyện Thới Bình (Cà Mau); tặng 50 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, 9.000 tập trắng, trị giá gần 60.000.000 đồng cho trẻ em nghèo hiếu học tại Đồng Tháp và Cà Mau.

XUÂN PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên