Cải lương vẫn luôn thu hút khán giả

Cập nhật: 26-08-2019 | 09:59:50

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020”, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Dầu Tiếng vừa tổ chức hội thi trích đoạn cải lương năm 2019. Tuy lần đầu tiên tổ chức, nhưng các trích đoạn, chập cải lương của các câu lạc bộ (CLB) rất đặc sắc, góp phần khơi dậy lòng đam mê biểu diễn cải lương của các thế hệ với lòng tự hào “viên ngọc” cải lương tròn trăm tuổi.


Trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt” của xã Định An tại hội thi trích đoạn cải lương huyện Dầu Tiếng năm 2019

Đến dự khán hội thi, đông đảo khán giả đã có dịp thưởng thức nhiều trích đoạn cải lương vang bóng một thời như: Tô Ánh Nguyệt (xã Định An), Đêm lạnh chùa hoang (ấp Cà Tong, xã Thanh An), Hàn Mặc Tử (xã Định Hiệp), Bên cầu dệt lụa (thị trấn Dầu Tiếng)… Bên cạnh đó là các chập cải lương ca ngợi các thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển, phản ánh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như: “Sống mãi Đoàn Thị Liên”, “Sống trọn nghĩa tình”

Ông Võ Văn Tài, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử - cải lương xã An Lập, cho biết các hội viên rất phấn khởi khi tham gia hội thi bởi đây là lần đầu tiên huyện tổ chức sân chơi dành cho cải lương. Ông Tài chia sẻ thêm, 2 chập cải lương mà CLB đi dự thi: “Sống mãi Đoàn Thị Liên” của tác giả Lê Hậu và “Sống trọn nghĩa tình” của tác giả Mai Đức Lãnh. Trong “Sống trọn nghĩa tình”, CLB xã muốn gửi đến mọi người nhiều thông điệp ý nghĩa về công tác chăm lo cho các gia đình chính sách trên địa bàn và quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. “Để các diễn viên có thể biểu diễn thuần thục các vai diễn trong 2 chập cải lương, các thành viên của CLB đã cùng nhau tập luyện cả tháng. Với niềm đam mê và tích cực tập luyện, cả 2 chập cải lương đều được khán giả đón nhận và Ban Giám khảo đánh giá cao”.

Nhìn các diễn viên Dầu Tiếng xúng xính trang phục biểu diễn cải lương, chúng tôi thấy trong họ luôn rạo rực lửa đam mê. Họ ca và diễn xuất rất chân phương nhưng chan chứa những niềm khát vọng. Đó là khát vọng duy trì ánh đèn của sân khấu cải lương, làm sao cho cải lương có thể trở lại thời vàng son xưa kia… Chia sẻ với chúng tôi về chất lượng thi diễn của các CLB, nghệ nhân nhân dân Thu Hồng, cho biết tuy chỉ là những diễn viên không chuyên, phát âm còn sai chính tả, rớt nhịp nhưng các CLB đã có sự đầu tư rất công phu, mang đến cho khán giả nhiều kỷ niệm về thời vàng son của cải lương. Qua đó, nghệ nhân nhân dân Thu Hồng cũng đã đề nghị các CLB cần khắc phục các hạn chế như: Phát âm cần tròn vành rõ chữ, ngân nga, luyến láy cần ngọt ngào hơn. Các CLB cần tìm hiểu kỹ về trang phục cho các trích đoạn cổ trang để trang bị phù hợp cho các vai diễn của diễn viên.

Theo bà Huỳnh Thị Cẩm Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Dầu Tiếng, hội thi là một trong số chuỗi hoạt động của ngành văn hóa - thông tin huyện chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Dầu Tiếng. Qua đây, các nghệ nhân và tài tử của các CLB trong huyện đã có dịp giao lưu, học hỏi nhau trong biểu diễn cải lương, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Để phong trào cải lương ngày càng phát triển và biểu diễn ngày càng chất lượng hơn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện sẽ tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm, giúp các CLB đờn ca tài tử - cải lương trên địa bàn hiểu rõ hơn về cải lương và khắc phục những hạn chế mà ban giám khảo hội thi đã nhận xét”, bà Cẩm Hằng nói thêm.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1488
Quay lên trên