Cần tăng cường đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị

Cập nhật: 06-12-2010 | 00:00:00

Những năm gần đây, Bình Dương luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khách du lịch. Vì thế, tiềm năng du lịch của tỉnh là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích (DT) lịch sử và danh lam thắng cảnh thiên nhiên cần được tăng cường đầu tư, tôn tạo.

  Di tích cấp quốc gia Nhà tù Phú LợiVới nhiều DT và danh thắng nổi tiếng, Bình Dương thu hút khách du lịch vì đến đây khách có thể tham quan các di sản kiến trúc tại TX.TDM, Bạch Đằng (Tân Uyên), các làng nghề thủ công truyền thống hoặc tham gia các lễ hội dân gian. Những chuyến về nguồn thăm lại Nhà tù Phú lợi, Địa đạo Tây Nam Bến Cát hay Chiến khu Đ anh hùng năm xưa... sẽ giúp các thế hệ đi sau hiểu biết thêm và tự hào hơn về truyền thống kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các bậc cha ông của chúng ta. Nếu muốn hòa mình cùng với thiên nhiên, khách du lịch có thể về thăm vùng cây ăn trái Lái Thiêu, núi Châu Thới, suối Lồ Ồ, hồ Bình An, hồ Dầu Tiếng... Bên cạnh đó, các lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội miếu Huỳnh Công, lễ hội giỗ tổ nghề sơn mài, lễ hội đua ghe, lễ cúng đình... Đặc biệt là lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (TX.TDM) mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch tham quan...

 Thực tế những năm qua các di tích lịch sử và danh thắng đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nâng doanh thu của ngành du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Song theo đánh giá của các ngành chức năng và các địa phương: Tuy có nhiều ưu điểm và thuận lợi nhưng hệ thống DT và danh thắng ở Bình Dương vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo một cách tương xứng và lại đang đối mặt với nhiều bất cập do đó việc gắn hoạt động của DT lịch sử văn hóa với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch chưa được khai thác tốt. Thực tế cho thấy tiềm năng DT - danh thắng ở đây đang là một tài nguyên còn tiềm ẩn. Có những di tích đã được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn để trùng tu xây dựng mới rất khang trang nhưng chưa phát huy được tác dụng. Trên địa bàn tỉnh hiện còn hàng ngàn DT phổ thông các loại chưa được xếp hạng, quản lý theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều DT do nhu cầu tín ngưỡng, nhân dân các địa phương tự đóng góp kinh phí sửa chữa, nâng cấp nên còn manh mún, không tuân theo một chuẩn mực nào. Dẫn tới làm sai lệch tính lịch sử của DT.

Đến nay, toàn tỉnh có 38 DT - danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia gồm: Nhà tù Phú Lợi, núi Châu Thới, chùa Hội Khánh, nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ Trần Văn Hổ, địa đạo Tây Nam Bến Cát, khảo cổ học Dốc Chùa, đình Phú Long, khảo cổ học Cù lao Rùa, Sở Chỉ huy Tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh và Chiến khu Đ. Riêng di tích cấp tỉnh có 27 DT gồm: đình Tân An (Bến Thế), đình Phú Cường (Bà Lụa), nhà cổ Đỗ Cao Thứa, nhà cổ Nguyễn Tri Quang, miếu Mộc Tổ, chùa Hưng Long (Bà Thao), bót Cầu Định, dinh Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành, căn cứ cách mạng Rừng Kiến An, căn cứ cách mạng Hố Lang, đình An Sơn, chùa tổ Long Hưng (Tổ Đỉa), mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên, Vòng thành Đất họ Võ, trường kỹ thuật Bình Dương, lò lu Đại Hưng, danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, chùa Bửu Phước, đình Tương Bình Hiệp, đình Tân Trạch, chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên, mộ Võ Văn Vân, đình thần - Dinh ông Ngãi Thắng, vườn cây cao su thời Pháp thuộc, đình thần Dầu Tiếng, đình thần Bình An và khu căn cứ cách mạng Vườn Trầu.

 

 

Hiện nay, các DT trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp quản lý. Các DT cấp quốc gia do Ban Quản lý DT và Danh thắng tỉnh quản lý; các DT cấp tỉnh trên địa bàn huyện, thị được giao cho UBND huyện, thị quản lý và đầu tư tôn tạo theo đề án trùng tu tôn tạo DT đã được UBND tỉnh phê duyệt...

Tuy đã có phân cấp nhưng hiện nay vẫn có tình trạng một số DT tuy đã được đầu tư tôn tạo nhưng việc đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, việc giới thiệu lịch sử DT còn thiếu và hạn chế, thậm chí có nơi chưa có người giới thiệu, khách vào muốn xem gì tùy ý...

Theo Ban Quản lý DT và danh thắng tỉnh, thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh đã bàn giao cho các huyện, thị quản lý 27 DT cấp tỉnh. Đối với các DT chưa được xếp hạng, tiếp tục tổ chức khảo sát để hoàn thành công tác kiểm kê phổ thông. Trên cơ sở đó sẽ chọn lọc, hoàn thiện những hồ sơ DT có giá trị cao để đề nghị Bộ VH, TT&DL; UBND tỉnh xếp hạng, trong đó ưu tiên cho các DT lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật. Tổng kinh phí thực hiện DT cấp quốc gia giai đoạn 2006-2009 là 19,4 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương thực hiện 1,55 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương thực hiện 17, 85 tỷ đồng và nguồn kinh phí khác là 3,04 tỷ đồng. Những DT đã được tôn tạo trong các năm qua như Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ Trần Văn Hổ, chùa Hội Khánh, núi Châu Thới, đình Phú Long, khảo cổ Dốc Chùa, nhà Nguyễn Tri Quan, miếu Mộc Tổ, dinh Tỉnh trưởng Phước Thành.

Mặc dù công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu chống xuống cấp. Thời gian tổ chức thực hiện còn chậm như: DT Nhà tù Phú Lợi, rừng Kiến An, Bộ Chỉ huy Tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiều DT phải điều chỉnh khu vực bảo vệ để làm đường như: DT khảo cổ Dốc Chùa, chùa Long Hưng Bến Cát, DT bót Cầu Định không có đường vào, DT nhà cổ Trần Công Vàng đường vào rất khó khăn...

Theo kế hoạch từ năm 2011 đến 2015 và định hướng đến 2020, tỉnh sẽ quản lý, đầu tư 11 DT cấp quốc gia; các huyện, thị quản lý, đầu tư 27 DT cấp tỉnh. Phấn đấu mỗi năm xếp hạng 1 DT cấp quốc gia, 2 DT cấp tỉnh. Đồng thời tiếp tục kêu gọi xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị DT, nhất là các DT tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu...

Là một tỉnh đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nền kinh tế phát triển mạnh, nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, áp lực về dân cư lớn, trong đó DT lịch sử- văn hóa bị tác động mạnh, việc bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề cấp thiết. Để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là một việc làm vô cùng khó khăn trong công tác quản lý di sản của cha ông để lại, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về trùng tu, tôn tạo. Nhất là các DT lịch sử cách mạng như: Nhà tù Phú Lợi, Tam Giác Sắt, Chiến khu Đ, Bộ Chỉ huy Tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh NGUYỄN VĂN THỦY:

Việc thực hiện phân cấp di tích đã giúp địa phương chủ động hơn về ngân sách, đồng thời do nắm bắt kỹ thực tế tình hình các DT cấp tỉnh trên địa bàn nên kế hoạch trùng tu sửa chữa các DT cũng sẽ được kịp thời và chính xác hơn, Ban Quản lý DT và Danh thắng tỉnh chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn theo đúng với quy chế của việc trùng tu DT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc phân cấp DT vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như do đây là năm đầu thực hiện việc phân cấp DT nên phần sử dụng nguồn vốn chưa kịp thời do vẫn còn vướng cơ chế. Khâu tư vấn trùng tu DT vẫn còn chậm kéo dài thời gian, do đó ảnh hưởng đến việc xuống cấp của DT. Kinh phí cho việc bảo vệ, tôn tạo các DT hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các DT đang xuống cấp. Nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc vẫn còn thiếu nhiều cán bộ chuyên môn ở cơ sở, điều này đã kéo theo việc trùng tu về chuyên môn vẫn còn hạn chế, do đó tỉnh vẫn còn phải hỗ trợ. Trước mắt, trong thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường thêm lực lượng cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ cho cơ sở để đáp ứng được nhu cầu hiện nay, song song với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho cơ sở.

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên