Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi như: Thông qua số điện thoại các đại lý nông sản tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai. Đắk Lắk…, một nhóm đối tượng đã đặt mua hàng tiêu, điều, cà phê để chuyển về nhà kho đã thuê tại Bình Dương rồi thực hiện hành vi lừa đảo.
Thủ đoạn tinh vi
Thủ đoạn của các đối tượng là sau khi nhận hàng đưa vào nhà kho, chúng tìm cách trì hoãn việc thanh toán với các lý do như chưa kịp rút tiền, đợi người thân mang tiền đến thanh toán… rồi tìm cách mời nạn nhân đi ăn cơm, uống cà phê để chờ rút tiền thanh toán, hoặc thanh toán cho nạn nhân một phần nhỏ giá trị hàng hóa làm tin để kìm chân nạn nhân. Trong lúc này, một nhóm đối tượng khác sẽ dùng phương tiện đến nhà kho để bốc dỡ hàng đi nơi khác tiêu thụ; trong khi đó đối tượng tiếp xúc với nạn nhân sẽ tìm cách lẩn trốn, bỏ đi. Khi nạn nhân nghi ngờ quay lại nhà kho mới biết kho do các đối tượng thuê và không rõ danh tính, lai lịch. Đến lúc này nạn nhân chỉ còn biết đến cơ quan công an để trình báo.
Các loại nông sản như hồ tiêu, hạt điều được đối tượng lừa đảo nhắm tới (ảnh minh họa)
Vào ngày 26-12-2017, ông Đinh Tiến D. (SN 1972, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), chủ một đại lý bán nông sản tại tỉnh Bình Phước, nhận được điện thoại với đầu số 0901.111.288 của một người tự xưng là Thảo và đặt mua 20 tấn cà phê với giá 37.500 đồng/kg trị giá 746 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu ông D. giao hàng tại địa chỉ ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên sẽ thanh toán tiền mặt tại đây. Đến 12 giờ trưa cùng ngày, ông D. cùng tài xế đích thân dùng xe bán tải chở số cà phê giao tại địa chỉ cho bà Thảo. Tại đây, đối tượng Thảo mời ông D. và tài xế đi ăn cơm trưa và kêu tài xế của bà Thảo về nhà lấy tiền thanh toán. Tuy nhiên, sau đó tài xế quay lại chỉ mang số tiền 240 triệu đồng để thanh toán và hẹn 16 giờ chiều cùng ngày sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền còn lại. Ông D. quay lại nhà kho thì phát hiện số cà phê vừa giao đã được chuyển đi mất, liên lạc với bà Thảo thì điện thoại đã tắt máy.
Cảnh giác vẫn bị lừa
Một trường hợp khác xảy ra vào ngày 2-2-2018 khiến bà Đào Thị H. (SN 1974, ngụ Bình Phước) chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản ở Bình Phước mất số tiền lớn. Ngày hôm đó bà nhận được cuộc điện thoại từ số 0901.111.288 và giới thiệu tên Thảo đặt mua 20 tấn hạt tiêu và yêu cầu giao hàng về ấp 5, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Sáng 3-2, bà H. cùng tài xế chở số tiêu đến giao theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi hàng đã xuống kho thì bà Thảo lại nói bận công việc nên sẽ quay lại thanh toán tiền sau.
Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, bà H. nhận được điện thoại của bà Thảo hẹn đến trước cổng khu du lịch Đại Nam để nhận tiền thanh toán. Bà H. cử tài xế ở lại kho thì thấy một chiếc xe bán tải đến kho mang 11 bao hạt tiêu trị giá 55 triệu đồng chở đi. Khi bà H. liên lạc với bà Thảo thì người phụ nữ này bảo mang tiêu đi bán cho khách, hẹn đến tối sẽ trả tiền. Đến hẹn, chờ mãi không thấy bà Thảo đến, bà H. liền gọi điện thoại nhưng không liên lạc được nên đã đến trình báo sự với với cơ quan công an.
Gần đây nhất vào ngày 27-4, anh Trần Anh V. (SN 1987, ngụ Đắk Lắk) và anh Trần Đăng Q. (SN 1984, ngụ Gia Lai) có hùn vốn để mua gần 33 tấn hạt điều và giao dịch bán cho người phụ nữ tên Đào (tên gọi khác là Ngọc), qua sự giới thiệu của người phụ nữ thường gọi là cô Hai (ngụ TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Qua điện thoại, người phụ nữ tên Đào yêu cầu chở số hạt điều đến khu vực Cổng Xanh để giao hàng. Sau khi tiến hành cân, người phụ nữ tên Huyền đi cùng Đào hướng dẫn các nạn nhân đến kho nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, thuộc phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một để xuống hàng. Xuống hàng xong, lấy lý do chờ chồng của Đào mang tiền đến thanh toán, đối tượng mời các nạn nhân đi ăn cơm. Đến 20 giờ tối cùng ngày, Đào chỉ thanh toán được 180 triệu đồng vào tài khoản của anh V. Sau đó Đào và Huyền tiếp tục dẫn các nạn nhân đến một quán cà phê ngồi chờ lấy tiền. Đến 21 giờ cùng ngày, khi anh V. thuê taxi đến nhà kho thì phát hiện toàn bộ số hạt điều đã chuyển đi hết. Lúc này tại quán cà phê, viện lý do đi vệ sinh, Đào và Huyền đã bỏ trốn để anh Q. ngồi đó cho đến khi anh V. báo tin bị lừa.
Trước các vụ việc nêu trên, Công an tỉnh Bình Dương hiện đang xác lập chuyên án để phối hợp cùng công an các địa phương để tập trung đấu tranh, làm rõ, bắt giữ các đối tượng liên quan. Trong thời gian này, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã đưa ra các khuyến cáo về thủ đoạn, hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng để người dân, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần cảnh giác, để tránh trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, lưu ý đối với người kinh doanh mua bán nông sản cần cảnh giác với thủ đoạn qua các vụ việc như đã nêu trên. Khi giao kết hợp đồng mua bán nông sản qua điện thoại, nên tìm hiểu rõ lai lịch của đối tác trước khi giao dịch. Đặc biệt cần quản lý hàng hóa của mình bán khi giao dịch mua bán chưa hoàn tất, còn nhiều bất lợi cho mình. Ngoài ra, qua việc các đối tượng lừa đảo thuê nhà kho để thực hiện hành vi, Công an tỉnh cũng lưu ý chủ kho bãi cần biết rõ thông tin lai lịch của người thuê, tránh để họ lợi dụng địa điểm để thực hiện hành vi lừa đảo như những trường hợp nêu trên, người cho thuê cũng chịu thiệt hại khi không thể thu được tiền cho thuê. Các chủ kho bãi khi cho thuê thấy các dấu hiệu bất thường cần chủ động báo cơ quan công an địa phương để kịp thời chủ động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
DUY KHANG