Chất lượng đi đôi quyền lợi

Cập nhật: 17-11-2017 | 08:14:12

Câu chuyện về đổi mới chất lượng giáo dục vẫn luôn là vấn đề thời sự bởi những khó khăn, tồn tại hiện nay mà muốn giải quyết hiệu quả thực sự không đơn giản. Bên hành lang Quốc hội ngày hôm qua, vấn đề này lại được “hâm nóng” khi người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo của đất nước đã có những chia sẻ với báo chí về những định hướng, giải pháp cho giáo dục cũng như những đau đáu về lương, bổng và trách nhiệm của đội ngũ làm công tác “trồng người”.

Kể từ năm 2013, khi Trung ương có Nghị quyết 29 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” thì ngành giáo dục được xem như đã có “đường ra”. Đặc biệt, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Nhiều cơ sở giáo dục đã cụ thể hóa Nghị quyết 29 vào kế hoạch phát triển giáo dục của đơn vị. Hệ thống giáo dục đã từng bước được hoàn thiện, bảo đảm linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần hình thành xã hội học tập… Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chất lượng giáo dục nói chung còn thấp, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập…

Đi cùng với đó là vấn đề lương, chính sách cho đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều tồn tại, bức xúc. Vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, “tư lệnh” ngành giáo dục cho biết, hiện bộ đang rà soát lại chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục. Khi cải tiến chuẩn theo hướng tốt lên thì lương cũng phải đi theo. Phải có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Điều quan trọng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là phải cụ thể để làm sao trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi, phải tạo ra được môi trường thuận lợi cho các thầy cô cống hiến. Đúng, đây là vấn đề không đơn giản nhưng không thể không làm!

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đồng thời đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo… là những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 29 đã đề ra. Vì vậy, sửa Luật Giáo dục, để có chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên theo như lời của người đứng đầu ngành giáo dục là cấp thiết, không thể chỉ kêu gọi nâng cao chất lượng giáo dục mà không đi kèm với đổi mới điều kiện làm việc và chế độ lương bổng…

T.ĐỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=622
Quay lên trên