“Chiếc ô hạt nhân” của ông Macron

Cập nhật: 06-03-2020 | 14:38:02

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước đã đưa ra đề nghị triển khai đối thoại chiến lược với các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch hạt nhân giai đoạn 2020-2025, đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường ngân sách hỗ trợ cho EU cũng như tích cực tham gia hoạt động tập trận quân sự.

Có thể thấy, nhà lãnh đạo không hề giấu giếm tham vọng khôi phục vai trò chính trị thế giới cho nước Pháp mà khởi đầu chính là những toan tính giúp Paris thâu tóm vai trò lãnh đạo EU và tạo cục diện “bằng vai phải lứa” với Mỹ.

Tự cứu lấy mình

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội tuần qua, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định châu Âu chỉ còn cách... tự cứu lấy mình nếu muốn phát triển bền vững và củng cố vị thế. Theo đó, những mối đe dọa khủng bố từ Trung Đông và châu Á, cùng với sự kiện Anh rời EU và sự rối ren trên chính trường Đức, khiến Pháp phải thay đổi tư duy để trở thành đầu tàu của “lục địa già”.

Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các quốc gia châu Âu, đặc biệt là những nước trong EU, phải thắt chặt hơn nữa quan hệ ngoại giao với Pháp, đồng thời tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ toàn khối như tập trận chung hay thử nghiệm các vũ khí hạt nhân của Pháp để tiếp tục tồn tại sau Brexit.

Với nhà lãnh đạo, sức mạnh của Pháp nằm ở tiềm lực hạt nhân, mạnh hơn cả các quốc gia vốn dĩ nằm trong khối NATO như Đức, Bỉ, Italy hay Hà Lan, trở thành định hướng quan trọng của chiến lực phòng thủ với mức tăng ngân sách quốc phòng gần 40 tỉ USD đến năm 2025 nhằm phục vụ mục tiêu răn đe hạt nhân.

Chưa hết, Pháp lên kế hoạch chi ít nhất 4 tỉ USD bảo trì cho kho vũ khí lên đến 300 đầu đạn hạt nhân và chỉ riêng trong năm 2020 sẽ dành 6 tỉ USD nghiên cứu nâng cao năng lực hạt nhân. Thậm chí, ông Macron thẳng thắn từ chối ký kết thêm bất cứ hiệp định nào liên quan đến cắt giảm năng lực hạt nhân của Pháp.

Rõ ràng, Pháp đang có ý mở dần “chiếc ô” hạt nhân của mình để dần thay thế vai trò hạt nhân của Mỹ ở các nước châu Âu. Ông Macron từng cảnh báo EU đừng rơi vào thế bị động, trở thành “nước đi” trên bàn cờ do Mỹ cầm quân. Trong quá khứ, các quốc gia EU thường đi theo tiếng gọi của NATO, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, trước bất cứ hiểm họa quân sự nào.

Khi mà Tổng thống Donald Trump ngày càng tỏ ý khinh thường NATO, quay lưng với đồng minh sau những bất đồng về cả kinh tế và quân sự thì EU cần phải tìm cho mình mối quan hệ mới hoặc thoát khỏi cái bóng của Washington nếu không muốn vướng phải cuộc chạy đua vũ trang nào.

Sự tan vỡ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga ký từ thời Chiến tranh Lạnh càng giúp ông Macron củng cố quan điểm về sự cần thiết phải liên kết với nhau trong Liên minh EU, đồng thời tìm cách đưa ra một chương trình nghị sự để kiểm soát quân sự cho “lục địa già”, hướng tới một vai trò cạnh tranh hơn cho châu Âu với đối trọng ở bên kia Đại Tây Dương.

Sự hoài nghi về mối quan hệ an ninh lâu dài giữa châu Âu với NATO khiến Pháp tin rằng một châu Âu vững mạnh sau Brexit phải dựa trên khả năng hành động độc lập ngày càng được cải thiện của mỗi nước trong châu lục, dưới sự dẫn dắt của một đầu tàu để tự chủ và tự phòng vệ.

Tổng thống Emmanuel Macron muốn Pháp thay đổi tư duy để trở thành đầu tàu của “lục địa già”, giúp EU không còn phải dựa vào Mỹ.

Một chặng đường dài

Giới chuyên gia phỏng đoán Pháp muốn giải tán NATO từ lâu, thế nhưng Tổng thống Macron không đưa ra bất cứ quan điểm nào ngoại trừ việc luôn khẳng định mọi động thái Paris hướng đến là củng cố nền phòng thủ của châu Âu thông qua 2 trụ cột quan trọng là NATO và EU được dẫn dắt bởi chính Pháp và Đức, sau sự ra đi của Anh.

Để giành phần thắng cho vị trí lãnh đạo EU, ông Macron cần tập hợp được các nước châu Âu khác quanh mình, thế nhưng mục tiêu này tương đối khó khăn khi Tổng thống từng nhiều lần thất bại trong nỗ lực cố gắng đối thoại với một số quốc gia EU.

Việc Pháp gợi ý các cuộc tập trận chung chỉ nhận được những cái nhìn e dè từ Đức và Ba Lan - vốn dĩ từ trước tới nay luôn đề cao vai trò của NATO. Cuối tuần qua, Ba Lan đã đưa ra thông báo phủ quyết toàn bộ cái gọi là kế hoạch hạt nhân châu Âu mà Tổng thống Macron đề xuất với ý định biến quốc gia hình lục lăng trở thành đầu tàu hạt nhân của toàn châu Âu.

Ba Lan cho rằng mọi tham vọng của ông Macron chưa thực sự rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh sự cố chấp và tìm mọi cách để “câu view” dư luận khi Tổng thống Macron trong nhiều tuần trở lại đây liên tục khơi lại những điểm yếu hạt nhân của EU, nhấn mạnh những kẽ hở chết người trong bản thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Mục đích sau cùng của ông Macron, theo giới truyền thông Ba Lan, ấy là tạo nên nỗi sợ viễn cảnh EU tan rã nếu Pháp không đứng lên làm trụ cột và vực dậy sức mạnh hạt nhân tiềm tàng của cả khối. Trong khi đó, Đức được coi là ứng viên sáng giá nhất trong quan hệ hợp tác với Pháp, nhiều khả năng giúp ông Macron tạo nên “tư duy châu Âu” ở bối cảnh hiện tại.

Vậy nhưng, khó khăn vẫn chồng chất khi chính ông Macron phải thừa nhận các cuộc thảo luận song phương với người đồng cấp, bà Angela Merkel, chưa hề suôn sẻ. Tại Đức, người dân phản đối hạt nhân, coi đây là chủ đề cấm kị. Sự chần chừ của Berlin đang dần làm chậm lại nỗ lực thiết lập ảnh hưởng bao trùm châu lục của Tổng thống Emmanuel Macron.

Giới quan sát đánh giá, mưu đồ của ông Macron dễ cầu nhưng khó thành, khi các quốc gia EU sẽ không chấp nhận để Paris thâu tóm hoàn toàn quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Phía NATO cho rằng Pháp nên cân nhắc lại tham vọng lãnh đạo EU vì nếu không tìm được sự kết nối sẽ dẫn tới thiếu hỗ trợ cần thiết trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Với NATO, quan hệ xuyên Đại Tây Dương, dưới “chiếc ô” hạt nhân đủ lớn của Mỹ, là điểm then chốt để có thể trụ vững trước bất cứ mối đe dọa nào. Thế nên, bất chấp việc Pháp có tiềm lực hạt nhân lớn, có thể giúp EU không còn phải dựa dẫm vào xứ cờ hoa, vai trò và khả năng dẫn dắt “lục địa già” của Paris cùng nhà lãnh đạo Macron vẫn còn rất lâu nữa mới được công nhận...

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1566
Quay lên trên