Khi bé được 4 - 6 tháng tuổi cần ăn dặm (AD) nhằm bổ sung nguồn thực phẩm ngoài sữa mẹ. Thế nhưng, cho bé AD như thế nào cho đúng cách thì không phải phụ huynh nào cũng biết, nhất là những em bé... không muốn ăn, khó nuốt...
Cu Bin được 4 tháng tuổi, chị Hương bắt đầu cho bé AD. Không được như những đứa trẻ hàng xóm, cu Bin ăn vô lè ra, có khi ngậm luôn. Chị Hương nóng ruột nên đổi đủ thứ bột cho con, từ bột ngọt sang bột mặn và cuối cùng tự tay nấu cháo xay nhuyễn đút cho con. Chị Hương than thở: “Sợ nó thiếu chất nên cố ép, nhưng nó chẳng chịu ăn. Tôi lo nó bị suy dinh dưỡng”.
Nếu ăn dặm không đúng cách bé có thể bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì
Trả lời băn khoăn của chị Hương, bác sĩ Đinh Văn Lộc, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh cho biết, bé cần thời gian để học cách AD. Bé có thể ngậm thức ăn lâu trong miệng, điều đó không có nghĩa là bé không thích mà bé cần có thời gian làm quen. Vì vậy, khi tập cho bé học AD, cha mẹ cần kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trong những ngày bé mới bắt đầu AD, đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng, chất bổ vội, vì bé chỉ mới làm quen với thức ăn mới ngoài sữa. Mục đích chính là tập cho bé cách cảm nhận thức ăn trong miệng. Sữa trong giai đoạn này vẫn là nguồn thực phẩm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Quan trọng là bé làm quen với thực phẩm mới, cách ăn mới bằng muỗng thay vì bú bằng bình.
Tình trạng hay gặp là bé không muốn ăn. Có thể là do bé chưa đói, hãy chờ đến lúc bé đói thì cho AD trước, sau đó cho bú thêm ngay để bé đủ no. Nếu bé vẫn không chịu ăn, có thể đổi thức ăn khác hay tạm lùi AD lại sau 1 - 2 tuần, không nên ép bé AD. Nhiều cha mẹ nóng ruột khi con không ăn nên cố ép. Bác sĩ có lời khuyên, không nên ấn thức ăn vào miệng mà hãy dừng lại và ngày mai lại tiếp tục tập lại. Bé cần 1 - 2 tuần để làm quen với một loại thức ăn đặc. Khi bắt đầu cho bé AD, nên cho bé AD vào lúc khỏe mạnh, lanh lợi. Lúc đầu cho bé AD với lượng nhỏ, cho bé nếm từng chút một, tập dần từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt rồi đặc để trẻ dần dần thích nghi, khoảng 1 lần/ngày. Khi bé đã quen thì tăng số lần lên, khoảng 2 - 3 lần/ngày.
Bé Ty, con chị Mỹ thì AD rất ngon lành. Để bé đủ chất, chị hầm cháo với nước xương, rau luộc cho có chất. Với cách chế biến này thì bé sẽ bị thiếu chất. Bác sĩ Lộc giải thích, bé còn nhỏ răng sữa chưa mọc hoàn chỉnh nên không có thể nghiền thức ăn được, thức ăn cần phải được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín, nên nấu bữa nào ăn bữa đó thì mới dinh dưỡng và hợp vệ sinh. Tuy nhiên, cha mẹ phải cho bé ăn cả phần cái của thức ăn thì mới đủ chất dinh dưỡng, còn phần nước như nước hầm xương, nước luộc thịt hay nước rau, thì hầu như không có chất bổ gì.
Nên thay đổi món thường xuyên thức ăn cho bé AD, bé sẽ không bị ngán và cũng không thiếu chất dinh dưỡng. Một vài loại thức ăn có thể cho bé AD: các loại bột như bột gạo, bột ngô, kê, mì; một số loại cháo loãng nấu đậu nhừ; khoai tây, khoai lang, khoai mỡ, trộn cùng củ cải, cà rốt, súp lơ, bông cải xanh hoặc các loại rau xanh khác nghiền, nấu chín nhừ; các loại quả chín nghiền nhuyễn như chuối, bơ, táo, lê, xoài; thịt nghiền như thịt heo, cá, thịt gà; sữa chua, phó mát hoặc bánh trứng, bánh kem.
Để bé khỏe mạnh, bác sĩ cũng lưu ý, nếu bé đi tiêu chỉ hơi lỏng một chút, màu sắc có thay đổi, nhưng bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe thì cha mẹ cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn. Nếu bé đi tiêu chảy nhiều nước và đi hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo ói ọc, sình chướng bụng, bỏ bú, thì ngưng việc cho AD, tạm lùi AD lại 1 - 2 tuần sau mới tập AD trở lại.
Bé bị nổi mề đay. Hiện tượng này có thể do bé bị dị ứng với thức AD, nên tạm ngưng AD khoảng 2 tuần và sau đó tập cho trẻ ăn lại từ ít đến nhiều. Bé bị nghẹn, khó nuốt thì có thể do thức AD quá đặc, quá lợn cợn, phải làm thức ăn loãng hơn, nhuyễn hơn để bé dễ ăn.
THU THẢO