Chung tay bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Cập nhật: 13-05-2022 | 08:27:48

 Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của internet đã mang lại nhiều tiện ích phục vụ việc tra cứu thông tin và học tập của trẻ em. Song, bên cạnh những lợi ích cũng có không ít cạm bẫy, rủi ro trên mạng xã hội (MXH) khiến trẻ dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, phát triển tư duy, đạo đức của trẻ. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em (BVTE) trên không gian mạng là hết sức cần thiết.

 Trẻ em cần được quan tâm và định hướng của các bậc phụ huynh khi sử dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet

 Những rủi ro tiềm ẩn

Mạng internet mang lại nhiều lợi ích lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, kết nối bạn bè đến tìm kiếm nội dung học tập, kỹ năng sống hay vui chơi giải trí… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng, như: Bị quấy rối trên mạng, nghiện game, xem các video, chương trình không phù hợp, thông tin sai lệch, hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng…

Nhiều gia đình đã hoang mang, lo sợ khi thấy con có biểu hiện nghiện MXH và làm theo các trào lưu trên mạng. Chị Trần Thị Hương Giang ở phường An Phú, TP.Thuận An kể, con trai 3 tuổi của chị thường mê xem các chương trình siêu nhân. Ban đầu thấy cháu xem bình thường nhưng thời gian gần đây cháu có những hành động nhảy nhót từ trên cao xuống, thậm chí xưng hô theo kiểu “siêu nhân” với người đối diện khiến gia đình hơi lo lắng. “Gần đây tôi làm mọi cách để hạn chế cho bé xem các video về siêu nhân nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Cũng mong cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em”, chị Giang nói.

Hay như anh Nguyễn Lương Bằng ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, chia sẻ gần đây cô giáo của con gái anh hay nhắc nhở ở lớp bé thiếu tập trung trong học tập. Theo dõi và để ý thì anh mới tá hỏa là do đợt dịch bệnh vừa rồi gia đình có mua cho bé một cái iPad để thuận tiện cho việc học online, khi kiểm tra máy, anh thấy bé có tải về phần mềm TikTok và thường xuyên quay những video theo trào lưu trên đó. “Có những video ngôn từ không phù hợp với lứa tuổi của các con. Tôi khá bất ngờ và sốc, bởi trước giờ không nghĩ xa đến như vậy nên không kiểm tra bất cứ thông tin gì trên máy của bé”, anh Bằng chia sẻ.

Thực tế thời gian qua, báo chí đã đăng tải nhiều trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân của MXH và để lại nhiều hậu quả đau lòng. Nguy hại từ MXH gây ra rất lớn, nó không chỉ ảnh hưởng nhất thời, ảnh hưởng trước mắt đến một mặt cụ thể nào đó mà ảnh hưởng toàn diện, lâu dài đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển nhân cách, đạo đức của trẻ em.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua cơ quan chức năng chưa ghi nhận những trường hợp có hậu quả nghiêm trọng từ việc trẻ em tham gia không gian mạng trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, sở sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành để triển khai các hoạt động tăng cường BVTE trên không gian mạng.

Trong thực tế, vẫn tồn tại rất nhiều video ảnh hưởng đến trẻ em; nhiều hoạt động lừa đảo, dụ dỗ trẻ em qua mạng vẫn còn xảy ra. Để BVTE trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cha mẹ cần quan tâm, quản lý, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng internet, MXH; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị, MXH an toàn cũng như cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh; tạo điều kiện để trẻ em tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, hạn chế tiếp xúc với điện thoại và internet.

Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, việc tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, các hoạt động thể dục thể thao… cũng chính là giải pháp hữu hiệu để BVTE trên không gian mạng. Anh Huỳnh Anh Vũ, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, cho biết: “Hiện tại, Nhà Thiếu nhi tỉnh có hơn 30 lớp học năng khiếu, học tập cho các bé từ 4 - 15 tuổi như aerobic, võ thuật, yoga, tiếng Anh… Chúng tôi còn thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, sân chơi cuối tuần thu hút đông đảo trẻ em và phụ huynh tham gia. Đây cũng chính là giải pháp vừa hạn chế thời gian các bé tiếp xúc với điện thoại, vừa được giao lưu, học hỏi nhiều điều trong thực tế”.

 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6- 2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em...

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên