Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, Bình Dương vẫn còn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 1997 - năm tỉnh Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương bắt đầu phát triển mạnh, với chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Qua hơn 20 năm, công nghiệp tỉnh nhà đã phát triển vượt bậc, vươn lên tốp 4 của cả nước và trở thành đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngành công nghiệp đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Kymco Việt Nam (KCN Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: P.LÊ
Công nghiệp tăng tốc
Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), tỉnh Sông Bé đã tiến hành quy hoạch 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 6.000 ha. Sau khi tách tỉnh vào ngày 1-1- 1997, Bình Dương còn 13 KCN với diện tích 4.033 ha, mà hạt nhân là KCN Sóng Thần I được thành lập vào tháng 9-1995. Cùng với việc Bình Dương đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đã chảy mạnh vào tỉnh. Nhờ đó kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu to lớn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa đã được hình thành rõ nét.
Có thể nói, Bình Dương đã tận dụng và khai thác triệt để các lợi thế nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể là chỉ số phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm gần đây đều tăng trên 10%/năm. Nếu như sau khi tách tỉnh, ngành công nghiệp chỉ chiếm 43,7% trong cơ cấu kinh tế thì đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch lớn với tỷ trọng công nghiệp chiếm 63,99%. Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh hiện chiếm 13% tổng giá trị sản xuất của cả nước. Đây là một bước “đại nhảy vọt” nếu nhìn lại hơn 20 năm về trước Bình Dương còn là tỉnh thuần nông nghèo khó, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương phân bổ.
Theo UBND tỉnh, chỉ tính trong năm 2017 sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và phát triển thị trường. Nhờ đó chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 10,98%; đây là mức tăng thuộc tốp đầu và cao hơn so với con số 9,4% của cả nước. Riêng 8 tháng năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng công nghiệp của Bình Dương vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt, tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có được kết quả này, một trong những nguyên nhân quan trọng là hầu hết các dự án đầu tư vào Bình Dương trong thời gian qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Vấn đề này rất phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong hành trình vươn lên thành một tỉnh đi đầu về công nghiệp của khu vực Đông Nam bộ mà tỉnh đã đề ra.
Phát triển chiều sâu
Chính sách thu hút đầu tư của Bình Dương trong thời gian tới đã được xác định rõ tại Chương trình số 34-Ctr/TU ngày 15-12- 2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Bên cạnh đó là Chương trình số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy về việc tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp và đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh đều hướng đến sự phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà.
Đi vào thực tiễn, trong những năm qua Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đầu tư trong nước lẫn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vào Bình Dương tập trung ở lĩnh vực công nghiệp, điều này cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp của Bình Dương có điều kiện phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ - thương mại trên địa bàn.
Trong thời gian tới, ngành công nghiệp của Bình Dương được nhận định sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, phát triển đúng định hướng. Tại Hội nghị gặp gỡ đại diện các hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng phải sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguyên liệu đầu vào, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết thêm, để công nghiệp đi vào chiều sâu, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Bình Dương cũng sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các khu công nghiệp đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, qua hơn 20 năm phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy được sự đồng thuận trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra, đưa công nghiệp tỉnh nhà đạt được những kết quả to lớn. Với thành tựu đạt được trong những năm qua, Bình Dương có thể tự hào với một nền công nghiệp sản xuất hàng hóa mạnh và bền vững. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để công nghiệp tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới, thật sự bền vững trong thời gian tới.
Ông Chu Ying Piao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chutex (KCN Sóng Thần II, TX.Dĩ An): Ấn tượng với sự phát triển của Bình Dương
Trước khi quyết định chọn Bình Dương làm điểm đến đầu tư, chúng tôi đã ấn tượng trước sự cầu thị và cung cách làm việc chuyên nghiệp của lãnh đạo địa phương. Khi đầu tư dự án vào Bình Dương, dù là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng chúng tôi không thấy sự khác biệt giữa đầu tư tại Việt Nam và Singapore. Chính nhờ đó Công ty Chutex liên tục gặt hái thành công. Tôi tin tưởng, Ban Quản lý các KCN Bình Dương sẽ tiếp tục tạo ra nhiều nét đột phá cho công cuộc phát triển kinh tế của địa phương nói chung. Là một doanh nghiệp có mặt đã lâu tại Bình Dương, chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của tỉnh. Nhất định Bình Dương sẽ tiếp tục có nhiều bước đột phá hơn nữa để phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình.
Ông Trần Hoàng Ý, Tổng Giám đốc Công ty điều Việt Hà (phường An Phú, TX.Thuận An): Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy oai hùng Bình Dương. Tôi may mắn được chứng kiến và gắn bó với sự phát triển của tỉnh nhà. Tôi công tác trong ngành chế biến hạt điều xuất khẩu. Đến năm 2013, tôi quyết định góp vốn cùng một số anh em dời nhà máy chế biến chủ lực về An Phú, TX.Thuận An để phát triển sự nghiệp.
So với các tỉnh, thành khác trong vùng, Bình Dương có những bước phát triển phi thường, từ chỗ thuần nông, lạc hậu và trông chờ vào ngân sách của Trung ương, nay đã trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước. Tôi tin chắc rằng với đà phát triển này, Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
KHÁNH VINH