Những năm gần đây, sông Sài Gòn xuất hiện rất nhiều lục bình gây cản trở giao thông đường thủy. UBND tỉnh đã nhiều lần họp bàn, tìm cách xử lý, phát động chiến dịch thu gom lục bình. Nhưng vớt chỗ này xong thì chỗ khác tràn đến do dòng chảy liên tục của thủy triều.
Để giải quyết triệt để vấn đề lục bình quá nhiều trên sông, lực lượng chức năng cần nắm vững quy luật sinh trưởng, phát triển của nó để có kế hoạch xử lý, kiểm soát nhằm phát huy tốt những mặt tích cực của lục bình với môi trường và khống chế các tác hại tiêu cực có thể xảy ra. Cũng như các loài thực vật khác, lục bình cũng sinh trưởng, phát triển theo mùa; sau mùa sinh sản phát triển mạnh, lục bình sẽ tìm chỗ “đóng đô” để “lấy sức” phát triển mùa sau. Lục bình thường sinh sôi tại các bãi đất cạn, ao hồ, kênh mương, vì vậy để giải quyết hiệu quả cần xử lý các “cứ điểm” này, khi đó lục bình sẽ không còn cơ hội phát triển, tràn ra sông gây ô nhiễm dòng chảy. Hiện nay, ngành chức năng chỉ lo vớt lục bình ngoài sông, trong các kênh mương, ao hồ lục bình lại theo con nước tràn ra, rồi đâu lại vào đấy.
Ai cũng biết sông Sài Gòn chảy qua một số tỉnh, thành nên để giải quyết hiệu quả vấn đề này cần có sự phối hợp, hợp tác giữa đơn vị chức năng của các địa phương cùng vào cuộc quản lý, kiểm soát lục bình khi chúng còn non yếu. Có như vậy lục bình sẽ không phát triển quá mức, gây tốn kém, cực công cho các địa phương.
PHÙ SA NGUYỄN