Cựu chiến binh Trường Sơn: Nghĩa tình đọng lại!

Cập nhật: 20-12-2010 | 00:00:00

Chương trình NTTS do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Vietcombank thực hiện trong năm 2010 với mục đích tặng học bổng và nhà tình nghĩa. Học sinh nhận học bổng từ chương trình này là con cháu các hộ nghèo thuộc đối tượng CCB, cựu TNXP, các gia đình thương binh, liệt sĩ, đồng bào các dân tộc từng ủng hộ cách mạng, có ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập. Đối tượng nhận nhà tình nghĩa là những hộ thuộc các đối tượng trên có khó khăn về kinh tế, nhà ở.

Tham gia chương trình này, Vietcombank Bình Dương đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng xây tặng 50 căn nhà tình nghĩa (trị giá 30 triệu đồng/căn) và trao 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) trong năm học 2010-2011 tại Bình Phước. 

 

Nếu không có sự giúp đỡ từ chương trình trao nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” (NTTS) của hệ thống Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện, chúng tôi vẫn chưa có nhà để ở. Mùa mưa vừa qua, được dọn về nhà mới, tôi mừng rơi nước mắt... Lời tâm sự của các cựu chiến binh (CCB) từng là lính Trường Sơn năm nào cũng làm cho nhiều người trong đoàn... rơi nước mắt!

 Ký ức thời tuổi trẻ

Xe đưa đoàn chúng tôi đi hết huyện, thị trấn, đến xã, rồi đến bưng, sóc để đến các gia đình được tặng nhà NTTS. Đường cứ thế nhỏ dần và khó đi dần. Nhiều người ái ngại hỏi: “Sao thế bác tài? Có tiếp tục đi được không hay... lội bộ?”. Sau mấy tiếng đồng hồ, mọi người cũng đến được nơi. Xen trong rừng cao su bạt ngàn là những căn nhà nhỏ của bà con. Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cứ nhắc đi nhắc lại: “Chúng ta cứ đến nơi xa nhất, khó khăn nhất. Căn nhà nào thực sự xây xong mới trao tặng cho đàng hoàng. Chưa xây xong, cứ chờ, dịp khác chúng tôi lại lên thăm và trao nhà luôn. Không sao cả. Các cô chú là CCB Trường Sơn ở xa, quá khó khăn mới là người cần giúp đỡ hơn ai hết”.

Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng họ đều là những CCB nghèo. Người để lại ấn tượng nhiều nhất cho chúng tôi hôm đó là  ông Nguyễn Đình Sy năm nay gần 90 tuổi. Bản thân ông Sy là bộ đội Cụ Hồ đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Ra quân, ông đưa vợ con vào sinh sống tại ấp Hiệp Quyết, xã Lộc Hiệp, Lộc Ninh, Bình Phước. Ông có 1 gái, 4 trai tham gia quân đội và 1 người con trai liệt sĩ Nguyễn Đình Dũng, hy sinh năm 1979 (tại chiến trường Campuchia). Người con cả của ông cũng là CCB, trước tham gia ở chiến trường miền Đông, giờ con trai cả cũng về làm nhà sống cạnh ông để chăm sóc cha.

 Đại diện chính quyền địa phương (trái) tặng quà cho CCB Nguyễn Đình SyÔng Sy bị thương nặng và di chứng để lại là ông bị mắc bệnh hoang tưởng. Lúc nào ông cũng nghĩ mình đang... đánh nhau! Có khi ông... xung phong nhưng có khi lại nấp vào “hầm bí mật” để kẻ thù không phát hiện mà dội bom. Ngày vợ ông mất (cách đây 7 năm), bệnh của ông càng nặng hơn. Suốt ngày ông chỉ ở trong nhà và không dám đi đâu. Đến bữa, con cháu đưa cơm qua khe cửa chứ không dám mở cửa bởi ông luôn lo có người “tấn công” mình.

 Nhiều CCB khác cũng kể về tuổi xuân anh hùng của mình khi họ gắn bó và gìn giữ cho Trường Sơn, cho cuộc chiến cam go mà anh dũng để đi đến thắng lợi của dân tộc ta. Các cô chú luôn tự hào về tuổi thanh xuân đầy nghĩa khí của mình...

Nghĩa tình đọng lại...

Thế là, với nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh  thần uống nước nhớ nguồn từ chương trình ý nghĩa,  những người trở về từ Trường Sơn ngày nào giờ ấm lòng khi nhận được sự quan tâm này. Bởi, với họ, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở trong căn nhà xây trị giá hàng chục triệu đồng. Điều đáng mừng là nhiều gia đình từ sự giúp đỡ 30 triệu đồng của ngân hàng đã được bà con, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm để xây dựng căn nhà trị giá 60 - 70 triệu đồng. Có người được cấp thêm đất sản xuất bên cạnh căn nhà nghĩa tình. Họ nói cuộc đời mình đổi thay còn hơn cả... trong mơ!

  Vợ chồng CCB Trà Văn Quy-êl nhận quà và quyết định trao nhàÔng bà Trà Văn Quy-êl, dân tộc Khơme, ở ấp Thạnh Tây, Lộc Tấn, Lộc Ninh, Bình Phước có lẽ là người hạnh phúc nhất trong các CCB nhận nhà trong đợt này vì ông bà có được “niềm vui nhân đôi” khi vừa có nhà vừa có đất canh tác từ chương trình hỗ trợ người dân tộc thiểu số định cư, ổn định cuộc sống của địa phương. Ông Quy-êl kể: “Tôi với bà ấy đều là CCB. Tôi tham gia kháng chiến và ở Tỉnh đội Cà Mau. Bà xã tôi đi TNXP và cả hai từng vào tù với những đòn tra tấn dã man. Năm 1973, chúng tôi được thả trong đợt 3 thả tù chính trị! Sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng tôi về Cà Mau, có đến 10 đứa con nên cảnh nghèo cứ đeo bám mãi. Khi con cái lớn, lên Sài Gòn, Bình Dương làm ăn, tôi cũng đưa vợ đi làm rẫy thuê ở Lộc Ninh và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có nhà riêng, sẽ thoát cảnh làm thuê. Vậy mà sau hơn 4 năm đến đây làm thuê, tôi được chính quyền địa phương, được bà con lối xóm thương mến. Hai vợ chồng được sinh hoạt trong Hội CCB. Giờ lại... chính thức được làm chủ nhà mình, đất mình chứ không lây lất đi làm thuê nữa. Đúng là tôi không dám mơ. Tết này, tôi gọi hết con cháu về đây cho chúng nó mừng”...

Một điều rất ý nghĩa nữa là bộ đội Biên phòng Bình Phước cũng vào cuộc cùng chương trình để giúp những CCB được tặng nhà ở gần đồn biên phòng, công xây dựng (khoảng 7 triệu đồng/căn) để “gia chủ” tiết kiệm bớt một khoản tiền. Đây là một việc làm thắm tình quân dân nên mọi người đều rất hăng say làm... nghề tay trái là phụ hồ của mình. Bà Nguyễn Thị Gái, Trưởng phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH Bình Phước cho biết: “Chúng tôi rất cảm ơn và trân trọng sự giúp đỡ nghĩa tình của Vietcombank Bình Dương với “người anh em” Bình Phước. Chúng tôi còn rất nhiều đối tượng cần giúp đỡ và hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đơn vị, các mạnh thường quân chung tay với chúng tôi trong những chương trình tặng nhà thật ấm áp, nghĩa tình này”.

Những người trong đoàn đi trao nhà NTTS hôm đó bịn rịn chia tay với gia chủ bởi họ quá hiếu khách. Nhà nghèo vậy cũng tranh thủ làm mâm cơm mừng nhà mới! Xe đã ra khỏi mấy con đường dốc cheo leo vẫn thấy những cánh tay của bà con vẫy chào theo đoàn. Có lẽ, ai cùng chứng kiến việc trao nhà, sẽ thấy vui lây với niềm vui của các CCB bởi từ nay, họ có căn nhà như mơ ước cả cuộc đời. Và, với sự đóng góp cho hòa bình dân tộc, các cô chú xứng đáng được nhận sự quan tâm nghĩa tình như thế...

Tuổi xuân bỏ lại chiến trường...

Khi đến thăm ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết sống cùng em gái Nguyễn Thị Ngọc Sương tại Sóc Bưng, Thanh Phú, Lộc Ninh, Bình Phước, tôi nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng. Chị Tuyết đi TNXP suốt thời tuổi xuân và ngày ra quân mới “chợt nhớ” tuổi xuân đã qua mất rồi. Trở về quê, người em cũng ở nhà thay chị chăm sóc ba mẹ mà quên tình riêng. Chị Tuyết tâm sự: “Mình ham đi làm nhiệm vụ, bỏ tuổi xuân lại chiến trường không nói đến làm gì. Về nhà em cũng... ở vậy làm mình xót xa nhưng cũng... may bởi giờ chị em gần 60 tuổi sống cùng nhau để nương tựa. Tôi bị thương, đau ốm riết nên cũng nhờ em tôi nhiều lắm”. Khi chưa được xây tặng căn nhà NTTS này, hễ trời mưa là hai chị em cùng nhau chạy vượt qua một vườn cao su của người ta để đến nhà người khác lánh mưa. Chờ hết mưa mới dám về bởi sợ nhà sập bất cứ lúc nào. Có được căn nhà khang trang là niềm mơ ước của hai chị em.

Tóc của hai chị em nay cũng đã điểm... tuyết sương! Mỗi ngày, họ đi cạo mủ cao su thuê để kiếm sống. Chủ yếu là cô em đi làm, cô chị ở nhà bởi sức khỏe yếu. Ước mong của hai chị em này đơn giản chỉ là “khi nào có nhiều tiền, sẽ đi chợ... Bình Long chơi, mua áo quần đẹp chứ ở riết trong bưng không biết gì cả...”.

 

QUỲNH NHƯ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên