Đại học Thủ Dầu Một: Triển khai xây dựng chương trình đào tạo mới theo mô hình CDIO

Cập nhật: 26-08-2014 | 09:42:55

CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng, Design - thiết kế ý tưởng, Implement - thực hiện, Operate - vận hành) là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn và có ý thức trách nhiệm với xã hội.

 Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một trong một giờ thực hành thí nghiệm

Hiện nay, nhiều trường đại học (ĐH) có uy tín đã và đang bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo mới theo mô hình CDIO. Thực tế thí điểm đào tạo cho thấy việc “hội nhập” này gặp không ít trở ngại, song ĐH Thủ Dầu Một quyết tâm triển khai mô hình đào tạo này trong toàn trường, ở nhiều mức độ khác nhau sao cho phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành, từng bộ môn. Nhà trường đã mời các chuyên gia tập huấn mô hình đào tạo CDIO cho toàn thể giảng viên. Sau đợt tập huấn, các khoa, bộ môn sẽ tập trung xây dựng chương trình cho phù hợp với ngành, bộ môn của mình. Cụ thể, các khoa phải rà soát lại toàn bộ chương trình, xây dựng lại chuẩn đầu ra cho ngành và chuẩn đầu ra cho từng môn học và từ chuẩn đầu ra này, khoa sẽ thiết kế lại chương trình đào tạo cho phù hợp với hệ thống các mục tiêu giáo dục gồm 12 tiêu chuẩn đề cập đến triết lý chương trình, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo tích hợp, không gian học, đánh giá học tập… của CDIO. Chương trình này sẽ được thẩm định như là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Đây là một bước đột phá trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên.

TS.Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, kiến thức không thay đổi nhiều lắm nhưng sinh viên sẽ học thêm nhiều về kỹ năng, thái độ. Hai môn học này tích hợp vào đó kỹ năng cho sinh viên như soạn thảo văn bản hành chính, tìm kiếm thông tin trên internet, trình bày trước đám đông, đọc hiểu và giải quyết vấn đề. Sinh viên cũng được nói về sự trung thực, tuân thủ quy định, cam kết khi nhận công việc… để thỏa mãn 8 điều kiện của một chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO và đạt được 3 mục đích CDIO nêu ra việc xây dựng, phát triển và đổi mới chương trình đào tạo phải giải quyết được hai câu hỏi cốt lõi: Sinh viên sau khi tốt nghiệp cần đạt được những kiến thức, kỹ năng và thái độ gì; ở mức độ nào? Cần có phương pháp giảng dạy và học tập như thế nào để bảo đảm rằng sinh viên có thể học được những kiến thức, kỹ năng và thái độ đó?

Quy trình trả lời hai câu hỏi trên chính là quy trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO. Có thể nói cốt lõi của xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO chính là 3 sản phẩm: chuẩn đầu ra, khung chương trình và bộ tiêu chuẩn. 3 sản phẩm này phải được xây dựng và phát triển trong bối cảnh CDIO, nghĩa là trong một môi trường sinh viên được khuyến khích phát triển cả 4 năng lực C - D - I - O.

Việc đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi. Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ. Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục ĐH, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH lên một tầm cao mới.

Sinh viên trong chương trình đào tạo theo CDIO cần đạt được 4 năng lực chính khi tốt nghiệp, bao gồm: khối kiến thức và lập luận ngành; các kỹ năng và phẩm chất cá nhân về nghề nghiệp; các kỹ năng và phẩm chất xã hội; năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn đặt trong bối cảnh xã hội và doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn khi triển khai chương trình CDIO, TS. Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một cho rằng: “Những khó khăn, trở ngại trong quá trình thí điểm thực hiện CDIO cũng đã được lãnh đạo nhà trường nhìn nhận. Cụ thể như việc giảng viên chịu áp lực rất lớn về thời gian để chuẩn bị và giảng dạy theo phương pháp mới mà hiện nay đội ngũ giảng viên, nhân viên nhà trường chưa có nhiều kinh nghiệm với yêu cầu đào tạo của chương trình. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất khi áp dụng CDIO khá cao… Tuy nhiên, chúng tôi xác định việc vận dụng mô hình mới ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có thời gian, nhất là cải thiện mô hình học tập nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo ĐH hiện nay. Chúng tôi không rút ngắn giai đoạn mà chấp nhận những bước đi vững chắc, nhưng hiệu quả trên cơ sở kế thừa những thành tựu của các trường đi trước… Chúng tôi quyết tâm thiết kế, triển khai mô hình CDIO, tuy biết rằng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức”.

 

 TIỂU MY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X