Đất anh hùng xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 28-08-2013 | 00:00:00

 Một thời hào hùng

Làng Long Nguyên được thành lập năm 1939, với ranh giới gồm 3 làng nhập lại là Lê Nguyên, Long Chiểu và Long Bình thuộc tổng Bình Hưng. Sau Cách mạng Tháng Tám, theo Chỉ thị của Ủy ban Hành chính Nam bộ, làng đổi thành xã thống nhất trong cả nước.    Chợ Long Nguyên vừa được đầu tư xây dựng khang trang

Ngược dòng lịch sử xã Long Nguyên là cả một chặng đường đấu tranh lâu dài và liên tục. Truyền thống yêu nước được duy trì và phát huy dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản; người dân Long Nguyên sớm giác ngộ cách mạng, một lòng một dạ theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc. Ông Nguyễn Văn Dùm, cán bộ hưu trí, nhân chứng lịch sử xã Long Nguyên cho biết, trong thời kỳ đấu tranh chống Pháp, chiến khu Long Nguyên đã ra đời và tồn tại suốt đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến khu Long Nguyên là nơi đứng chân của nhiều lực lượng vũ trang không những của xã, huyện, tỉnh mà có lúc là căn cứ đứng chân của Bộ Tư lệnh khu 7.

Phong trào cách mạng ở Long Nguyên có từ rất sớm. Những năm 1936, các đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai đã thường xuyên đi lại hoạt động ở nơi này. Đến năm 1936, khi Chi bộ Đồn điền Cao su Dầu Tiếng được thành lập, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân cao su và cũng là một luồng sinh khí mới tác động và thổi bùng ngọn lửa cách mạng vốn đã âm ỉ từ lâu của người dân trên mảnh đất Long Nguyên. Sau khởi nghĩa Nam kỳ, nhằm hạn chế sự hy sinh, tổn thất, đội ngũ cán bộ, đảng viên về bám cơ sở, bám dân hoạt động xây dựng phong trào. Theo đó, các tổ chức quần chúng nòng cốt lần lượt ra đời và hoạt động dưới các hình thức như vận động đóng góp gây quỹ tương tế, hội nhà giàng, tương trợ giúp đỡ nhau lúc khó khăn... Thông qua đó đã giáo dục tinh thần yêu nước, chống lại ách thống trị của bọn đế quốc thực dân, phong kiến.

Cuối năm 1944, lực lượng thanh niên Long Nguyên và các làng thuộc tổng Bình Hưng tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong và Thanh niên Việt Minh; thường xuyên tập luyện quân sự, tuần tra canh gác giữ gìn trật tự thôn ấp… Với chủ trương “quân sự hóa”, mỗi thanh niên đã tự trang bị vũ khí như gậy, tầm vông, dao rựa, mã tấu… ngày đêm ra sức luyện tập quân sự để chờ thời cơ cách mạng đến, nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, một tình thế cách mạng mới xuất hiện, khí thế quần chúng yêu nước tại Long Nguyên diễn ra sôi sục. Mọi người chuẩn bị sẵn gậy gộc, giáo mác, tầm vông vạt nhọn, cung tên… sẵn sàng xông trận khi có lệnh phất cờ khởi nghĩa. Đến ngày 24-8- 1945, lực lượng thanh niên xã dưới sự chỉ huy của thầy giáo Chương đã chiếm nhà làng. Sau đó, lực lượng quần chúng cách mạng đã kéo về Bến Cát cùng với quần chúng làng phụ cận chiếm trụ sở quận.

Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền tại quận diễn ra thuận lợi, theo sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa quận, Long Nguyên tổ chức một lực lượng thanh niên bán vũ trang gồm 1 tiểu đội và một số quần chúng cách mạng cùng với huyện kéo về Thủ Dầu Một để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

Xây dựng nông thôn mới

Với truyền thống lao động cần cù, sau ngày giải phóng, người dân Long Nguyên lại bám đất, bám làng để xây dựng quê hương. Nhờ thế mạnh vốn có, Long Nguyên được huyện Bến Cát chọn là 1 trong 4 xã thí điểm để xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Long Nguyên đạt được 13/19 tiêu chí của xã NTM. Những tiêu chí về thủy lợi, bưu điện, nhà ở dân cư, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đã đạt chuẩn một cách dễ dàng ngay sau khi xã được chọn xây dựng NTM.

“Long Nguyên luôn là biểu tượng tự hào của người dân, không chỉ trong kháng chiến mà cả trong thời kỳ xây dựng quê hương. Ngày nay, bộ mặt Long Nguyên đã khác xưa, đường sá thông thoáng, đời sống người dân được nâng cao. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, tôi tin Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Nguyên sẽ tiếp tục đồng thuận để phát triển xây dựng NTM”.

(Ông Nguyễn Văn Dùm, cán bộ hưu trí ở xã Long Nguyên)

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, hiện nay cơ sở hạ tầng của xã khá hoàn thiện, trường mẫu giáo, THCS đạt chuẩn. Những tuyến đường giao thông chính đã được nhựa hóa, các tuyến đường xương cá cũng đã sỏi đỏ khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, xã đã được giao 8 ha đất nông nghiệp để xây dựng 5 công trình quan trọng: chợ, trung tâm văn hóa, trường Mầm non Hoa Hồng 2, trường cấp II, trường cấp III. Sau khi hoàn thành 5 công trình xây dựng cơ bản kể trên, Long Nguyên sẽ tiến một bước dài trong việc đạt thêm các tiêu chí quan trọng trong tổng số 19 tiêu chí xã NTM.

Hiện nay, kinh tế chủ lực của Long Nguyên vẫn là cây cao su, với khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp. Những năm trước, nhờ mủ cao su có giá cao, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỷ phú. Năm nay, dù giá mủ giảm mạnh nhưng nhìn chung thu nhập của bà con toàn xã vẫn thuộc hàng khá, nhờ mỗi gia đình đều có diện tích cao su lớn nên tận dụng được ưu thế về số nhiều.

Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Nguyên đang có những nỗ lực lớn trong việc xây dựng NTM để tạo bộ mặt mới cho một xã giàu truyền thống anh hùng.

 T.THẢO - N.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên