Dậy thì sớm có đáng lo?

Cập nhật: 17-12-2012 | 00:00:00

Gần đây, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi thấy con mình… sớm thành người lớn. Báo Bình Dương đã trao đổi với bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe về vấn đề này…

- Thưa BS, thế nào là phát triển dậy thì bình thường?

- Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp để bé gái, bé trai trở thành người lớn. Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng sự xuất hiện kinh nguyệt lần đầu ở bé gái và sự xuất tinh lần đầu ở bé trai. Đa số các nghiên cứu, các mốc dậy thì có độ lệch chuẩn dao động xấp xỉ 1 năm. Như vậy, tuổi dậy thì đang được chấp nhận là 10 tuổi đối với bé gái và 12 tuổi đối với bé trai.

- Vậy khi nào được gọi là phát triển dậy thì sớm và dấu hiệu biểu hiện trẻ dậy thì sớm?

- Phát triển dậy thì sớm được xác định khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì sớm hơn 2,5 - 3 độ lệch chuẩn so với tuổi trung bình. Như vậy, dậy thì sớm khi trẻ phát triển các đặc điểm giới tính phụ trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.

Trẻ dậy thì sớm thường có dấu hiệu tăng trưởng rất nhanh, chiều cao phát triển từ 7 -15cm/năm. Ở trẻ gái có tuyến vú to bất thường, có thể to một bên... Kinh nguyệt có trước 8 tuổi. Đối với trẻ trai giọng trầm, trứng cá, cơ bắp vạm vỡ, mọc ria mép...

- Thưa BS, dậy thì sớm có gây ra hậu quả gì không?

- Có chứ. Về mặt thể chất: Những trường hợp này đến tuổi trưởng thành chắc chắn trẻ sẽ lùn hơn so với chiều cao tiêu chuẩn vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương làm các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không thể phát triển chiều cao. Về mặt tâm, sinh lý: Dậy thì sớm còn khiến trẻ bị khủng hoảng cảm xúc, khủng hoảng tâm lý. Trẻ lúc nào cũng hoang mang, lo lắng và tự ti về thân hình của mình vì trẻ lớn hẳn so với các bạn. Một hậu quả nghiêm trọng mà trẻ dậy thì sớm về sinh lý nhưng lý trí, tâm lý lại phát triển không song hành nên thường tò mò, bắt chước chuyện của người lớn dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý. Hoặc dễ bị quấy rối tình dục và còn nhiều nguy cơ khác như nhiễm trùng sinh dục, bất lực khi trưởng thành do thủ dâm sớm kéo dài lúc còn nhỏ tuổi…

- Vậy phòng bệnh và điều trị bệnh như thế nào thưa BS?

- Hiện nay, các yếu tố tác động đến dậy thì sớm ở trẻ là do môi trường xã hội, “dẫn chất phtalate” tạo dẻo trong ngành nhựa, tạo đục trong ngành thực phẩm (nước ép trái cây, thạch trái cây), các loại thực phẩm chăn nuôi chứa nhiều chất hormone tăng trưởng, điều kiện sống trong gia đình… chế độ ăn uống quá nhiều chất béo, trẻ sống thụ động dễ béo phì sẽ gây rối loạn chuyển hóa nội tiết tố. Vì vậy, cần chú ý các vấn đề sau:

Tạo cho trẻ có lối sống năng động, tham gia các hoạt động lành mạnh của các tổ chức thanh thiếu niên giúp trẻ hạn chế bị tác động của phim ảnh xấu trên internet, hạn chế lối sống tĩnh tại, thụ động. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối. Tham gia luyện tập thể dục thể thao, hạn chế ăn thức ăn công nghiệp, chế biến sẵn…

Theo dõi, phát hiện sớm các đặc điểm giới tính phụ như khi con gái có tuyến vú sớm trước 8 tuổi, con trai có tinh hoàn phát triển trước 9 tuổi; trẻ có chiều cao tăng nhanh, chung cho cả 2 giới là tốc độ tăng chiều cao nhanh từ 7 - 15cm/năm và mọc lông mu, lông nách.

Về điều trị thì cần phải khám chuyên khoa nội tiết để xác định nguyên nhân thầy thuốc mới có chỉ định cần hay không cần điều trị. Khi gia đình có con mắc chứng dậy thì sớm thì đưa trẻ đến bệnh viện nhi để được khám và điều trị sớm, giúp trẻ ổn định về mặt tâm sinh lý và phát triển thể chất bình thường.

Xin cảm ơn BS!

 

HƯƠNG CẦN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=460
Quay lên trên