Dễ ảo tưởng với cách gọi tên!

Cập nhật: 18-07-2015 | 08:19:02

Dự thảo mô hình trường học mới do Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra đã “dậy sóng” với các ý kiến trái chiều. Một trong những điểm mới của dự thảo điều lệ trường tiểu học là tên gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh thay cho lớp trưởng, lớp phó hiện nay. Cách gọi tên các chức danh mà dự thảo đề nghị khiến nhiều người “dị ứng” và cho rằng cần thay đổi thực chất hơn là cái vỏ tên gọi. Trong khi đó, nhiều ý kiến ở chiều ngược lại thì cho rằng đừng vì “dị ứng” với những khái niệm mới hoặc lo ngại sự háo danh của con trẻ mà phê phán toàn bộ mô hình.

Đối với nhóm những người “dị ứng” cách gọi tên các chức danh mà dự thảo đề nghị, cho rằng các chức danh mà dự thảo đề nghị dễ gây ra sự ảo tưởng trong học sinh. Lớp trưởng hay tổ trưởng như cách gọi hiện nay là một cụm từ chính xác, giản dị, dễ hiểu, chỉ đúng chức năng và vai trò của học sinh được phân nhiệm trong mỗi lớp học, đừng bày vẽ đổi tên nghe hoành tráng mà xa lạ! Ngay cả Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, cũng cho rằng cách định danh cho các em như dự thảo đề nghị dễ làm mọi người có cái nhìn thiếu tích cực. Cách gọi tên một vài chức danh như lớp trưởng, lớp phó trở thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản nghe trịnh trọng và chưa phù hợp với lứa tuổi của các em. Điều đó có thể khiến các em tự nghĩ đó là một chức danh ghê gớm và tạo ra sự háo danh từ khi còn là học sinh tiểu học thì rất nguy hiểm!

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng đây là mô hình không chỉ thay đổi về cách thức tổ chức lớp học thông qua việc quản lý bằng hội đồng tự quản, mà còn thay đổi phương pháp dạy học từ giáo viên dạy, cả lớp tiếp thu thành phương pháp giáo viên hướng dẫn cho các nhóm trong một lớp học. Việc lập ra các hội đồng tự quản trong mỗi lớp học sẽ giúp học sinh chủ động và sáng tạo hơn trong học tập. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm cũng biết quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Hoạt động bầu hội đồng tự quản của mỗi lớp được thực hiện theo từng học kỳ, các em học sinh sẽ thay phiên đảm nhận các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản nên sẽ không có sự tị nạnh hay tự đắc xảy ra từ các vị trí được định danh mới.

Dẫu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều với một trong những điểm mới của dự thảo điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra. Tuy nhiên, học sinh tiểu học như tờ giấy trắng, hãy để các em lớn lên với sự hồn nhiên của tuổi thơ. Đừng vì sự áp đặt của người lớn về cái tên gọi khơi gợi sự háo danh, để rồi các em vào đời với sự tị nạnh quá mức về chức danh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn thiếu niên, nhi đồng luôn phải “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Do vậy, mục đích của giáo dục là xây dựng con người mới với các tố chất khiêm tốn, thật thà như Bác Hồ hằng mong muốn. Đừng vì sự áp đặt với các tên gọi xa lạ làm lệch lạc suy nghĩ trong sáng của tuổi thơ. Hơn nữa, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã đề ra chủ trương “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao, chất lượng bền vững”, nên việc đổi mới cần đi vào thực chất hơn là cái vỏ tên gọi dễ gây ảo tưởng đối với học sinh.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=905
Quay lên trên